Lời khai vô hồn và vết thương không thể lành

Lời khai vô hồn và vết thương không thể lành
10 giờ trướcBài gốc
Tại bục khai báo của TAND TP HCM, khi 3 cựu lãnh đạo tỉnh An Giang thuật lại những sai phạm của mình, điều khiến những người dự khán nhói lòng nhất là cách mà cả 3 thản nhiên kể về những khúc sông bị "rút ruột" như thể đó chỉ là những con số vô hồn trên báo cáo.
Cúi đầu nhận tội
Cả 3 bị cáo đều cúi đầu nhận sai. Nhưng trong từng lời khai, mỗi người có một cách lý giải mà theo họ không hẳn là… sai. Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nói về sự hối hận, về nhận thức muộn màng của mình. Nhưng giữa những câu chữ xót xa đó, vẫn ẩn chứa lập luận rằng những quyết định sai lầm chỉ là hệ quả của một quá trình đầy "thiện chí" để… phát triển địa phương.
Về khoản tiền 250.000 USD nhận từ Lê Quang Bình - cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đầu tư Trung Hậu 68 (Công ty Trung Hậu 68), cựu quan chức tỉnh khẳng định mình không hề vòi vĩnh hay yêu cầu. Ông nói khi nhận tiền chỉ nghĩ đơn thuần đó là quà. Nhưng sau nhiều trăn trở, ông đã trả lại, thậm chí còn trả trước khi Lê Quang Bình bị bắt 2 tháng.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT), bị cáo Trần Anh Thư, thừa nhận đã chiếm hưởng 961 triệu đồng nhưng vẫn khăng khăng rằng sai phạm của mình là vì làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Còn bị cáo Nguyễn Việt Trí, cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh, cho biết có nhận hơn 3 tỉ đồng nhưng số lần nhận tiền không phải 20 như cáo trạng mà chỉ… 17 lần!
Còn điều mà cả 3 cựu lãnh đạo cùng phủ nhận đó là họ "không biết" độ sâu đáy sông tại khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép.
Lời tố cáo của… dòng sông
Theo quy định, khi điều chỉnh công suất khai thác cát, doanh nghiệp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng Công ty Trung Hậu 68 đã ngang nhiên bỏ qua bước này. Với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, ông Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin miễn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc này không được Trung ương chấp thuận.
Nhóm lợi ích này không bỏ cuộc, họ tiếp tục tìm cách hợp thức hóa số liệu. Họ thuê Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN-MT tỉnh An Giang đo đạc đáy sông để lập báo cáo. Kết quả cho thấy nhiều khu vực đã bị hút xuống âm 26 đến âm 27 m - sâu hơn mức cho phép hơn 10 m. Thay vì dừng lại để khắc phục, những quan chức này lại chọn cách chỉnh sửa bản đồ đáy sông, hợp thức hóa sai phạm…
Và nhằm tri ân những quan chức đã giúp che giấu sự thật, Lê Quang Bình dùng hàng trăm ngàn USD để "cảm ơn". Những đồng tiền hối lộ được trao đi trong lặng lẽ. Nhưng những vết thương của dòng sông lại không thể giấu kín. Sau cuộc tận thu, thứ duy nhất còn lại là những hố sâu hoắm giữa lòng quê nghèo.
Các bị cáo tại tòa
Đứng trước HĐXX, điều ấy dường như vẫn không đủ sức nặng để các bị cáo thôi lặp lại rằng: "Chúng tôi không cố ý", "Mọi thứ đều vì sự phát triển…!". Nhưng sự phát triển nào lại đánh đổi bằng sự cạn kiệt tài nguyên, sự phát triển nào lại để lại những vết thương không bao giờ lành trên dòng sông quê hương bao đời hiền hòa?
Trong quá trình xét xử, một câu hỏi của chủ tọa khiến bị cáo Nguyễn Việt Trí cúi đầu, phòng xử cũng lặng đi: "Bị cáo suy nghĩ gì về việc phải làm đúng cương vị của mình?".
Và có lẽ nếu câu hỏi này được đặt ra với những cựu lãnh đạo khác trong vụ án, câu trả lời cũng chỉ là những cái cúi đầu. Họ có thể nói rằng mình không biết, không nắm rõ, chỉ làm theo quy trình nhưng sự thật là chính sự nhắm mắt làm ngơ của họ đã khiến tài nguyên môi trường bị tàn phá.
Khi nhắc đến gia đình, vợ con, bị cáo Trí bật khóc, mong được HĐXX xem xét khoan hồng để có cơ hội sửa sai, để được sớm trở về với gia đình. Còn cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì nghẹn ngào, gửi lời xin lỗi đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh An Giang và gia đình - những người đã đặt niềm tin vào mình. Bị cáo đau đớn nói: "Vì một phút thiếu suy xét, bị cáo đã mắc sai lầm nghiêm trọng để rồi phải đứng nơi này. Nhưng... tòa án lương tâm và nỗi nhục nhã của gia đình muôn đời không thể rửa sạch".
Những giọt nước mắt ấy có thể là sự ăn năn, có thể là nỗi sợ hãi khi đối diện bản án. Nhưng dù là gì đi nữa, cũng không thể rửa sạch những sai lầm đã gây ra.
Những vết thương trong lòng con sông hiền hòa bao đời sẽ còn rỉ máu, không chỉ bởi những hố sâu hoắm do lòng tham cào xé, mà còn bởi sự bội tín của những người từng nắm trong tay quyền lực quản lý, bảo vệ dòng sông.
Bài và ảnh: TRẦN THÁI
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/loi-khai-vo-hon-va-vet-thuong-khong-the-lanh-196250404202713204.htm