Lời khẩn cầu 'mũi tiêm để không tỉnh lại' của bệnh nhân khiến bác sĩ ám ảnh mãi

Lời khẩn cầu 'mũi tiêm để không tỉnh lại' của bệnh nhân khiến bác sĩ ám ảnh mãi
15 giờ trướcBài gốc
“Bác sĩ ơi, cho tôi mũi tiêm để không phải tỉnh dậy nữa…”, lời cầu xin ấy của người đàn ông 75 tuổi, mắc ung thư tụy giai đoạn cuối, khiến bác sĩ Hà Hải Nam - khi đó đang phụ trách chuyên ngành hóa chất tại Bệnh viện K - bàng hoàng đến nghẹn giọng.
Bác sĩ Nam đặt tay lên vai bệnh nhân, nhẹ nhàng đáp: “Để cháu giúp bác giảm đau. Mọi người sẽ đồng hành cùng bác trong cuộc chiến này”.
Thời điểm đó, người đàn ông 75 tuổi trải qua phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức và chuyển sang Bệnh viện K điều trị hóa chất. Cơ thể suy kiệt không còn dung nạp được thuốc, cơn đau do khối u tụy lan đến tận cột sống khiến ông gần như kiệt quệ. Ông xin về nhà để sống những ngày cuối bên gia đình, nhưng người thân vẫn mong “còn nước còn tát”, dù thời gian chỉ còn tính bằng tuần.
Bác sĩ Nam hiểu không thể cưỡng cầu sự sống, nhưng cũng không cho phép bản thân từ bỏ. Anh kiên trì tiêm thuốc giảm đau, trò chuyện, xoa dịu tâm lý người bệnh. “Đau đớn do ung thư tụy giai đoạn cuối như bị tra tấn. Người khỏe mạnh còn khó chịu nổi, huống gì bệnh nhân đã suy kiệt”, anh nói.
Vài tuần sau, ông trút hơi thở cuối cùng. Không còn đau đớn, không còn tuyệt vọng.
Bác sĩ Hà Hải Nam và ê kíp đang phẫu thuật cho người bệnh ung thư. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Hà Hải Nam – nay là Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K trải qua gần 20 năm làm trong lĩnh vực ung thư. Với anh, đó không chỉ là hành trình điều trị bệnh lý, mà còn là cuộc đồng hành với nỗi đau, sự sợ hãi và cả những giấc mơ bị dang dở của người bệnh.
Bác sĩ Hà Hải Nam chia sẻ rằng hầu hết bệnh nhân khi biết mình mắc ung thư đều rơi vào trạng thái hoảng loạn, dễ bị kích động và khó chấp nhận thực tế. “Tâm lý ấy khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn”, anh nói.
Thực tế, phần lớn người bệnh chỉ đến viện khi ung thư ở giai đoạn muộn. Khoảng 70% bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau đớn dày vò cho đến lúc qua đời. Ở thời điểm này, bác sĩ tập trung chăm sóc giảm nhẹ, với mục tiêu xoa dịu nỗi đau và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Tuyệt vọng, tiêu cực dù hiện hữu ở nhiều bệnh nhân không phải là điều khiến bác sĩ Nam và các đồng nghiệp nản lòng. Với anh, khát vọng được sống luôn tồn tại, chỉ là mỗi người có một lý do khác nhau để tiếp tục. Có bà mẹ trẻ mong được dự đám cưới con, có người quyết từ chối điều trị để giữ lấy đứa con trong bụng, cũng có người đành buông xuôi vì không thể gồng gánh thêm chi phí.
Khi ấy, người bác sĩ không chỉ cần chuyên môn, mà còn phải đủ tinh tế để hiểu mong muốn của bệnh nhân, từ đó đồng hành, an ủi và giúp họ vơi đi phần nào nỗi đau.
Ung thư không còn là “án tử” như quan niệm trước đây. Nhờ tiến bộ y học, các phương pháp điều trị hiện đại như điều trị đích, miễn dịch, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu giúp cải thiện đáng kể thời gian sống. Nếu sau 5 năm không tái phát, bệnh nhân được xem là điều trị thành công. “Tuy nhiên, người dân vẫn nên khám định kỳ để phát hiện sớm. Phát hiện sớm thì có thể trị lành”, anh nhấn mạnh.
Trên hành trình giành giật sự sống, điều khiến bác sĩ Nam hạnh phúc nhất là được nhìn thấy bệnh nhân tỉnh táo, không biến chứng sau ca mổ và đủ sức đi tiếp.
Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca mắc mới, 115.000 ca tử vong do ung thư. Các loại ung thư phổ biến gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, vú và đại trực tràng. Có người 20 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn; tiêm vaccine phòng bệnh. Chúng ta cũng cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.
Như Loan
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/loi-khan-cau-mui-tiem-de-khong-tinh-lai-cua-benh-nhan-khien-bac-si-am-anh-mai-ar954098.html