Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng quý thứ 5 liên tiếp
Tính đến ngày 07/2, 1.072 công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán, chiếm 98% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024. Theo báo cáo của VNDIRECT, tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2024 tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý tăng trưởng thứ năm liên tiếp. Lợi nhuận quý IV/2024 tăng 13,4% so với quý liền trước. Tính chung, tổng lợi nhuận năm 2024 tăng gần 18% so với năm trước.
Tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2024 được thúc đẩy chủ yếu bởi hiệu ứng nền thấp từ năm 2023 và sự phục hồi mạnh mẽ của một số nhóm ngành trọng điểm. Trong đó, theo các chuyên gia từ Chứng khoán VNDIRECT, ngành viễn thông, bán lẻ và hàng tiêu dùng cá nhân và gia dụng là những ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Biên lợi nhuận gộp nhóm phi tài chính hồi phục
Ngành viễn thông ghi nhận mức tăng lợi nhuận ấn tượng 261,9% so với cùng kỳ, với đóng góp lớn từ Viettel Global (VGI) khi lợi nhuận ròng tăng tới 723% nhờ theo đuổi chuyển đổi số và tiên phong xây dựng xã hội số tại các quốc gia mà Viettel đầu tư. Ngành hàng cá nhân & gia dụng có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 154,7% do nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng để phòng ngừa thuế quan từ chính quyền Trump. Ngành bán lẻ cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng 125,4% so với cùng kỳ, nhờ hiệu ứng nền thấp và nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Ngành bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ khi lợi nhuận ròng toàn ngành tăng 70,1%. Vinhomes (VHM) có mức tăng đột biến 1.297% nhờ bàn giao dự án lớn Royal Island tại Hải Phòng. Ngoài mức tăng trưởng đột biến của Vinhomes, các doanh nghiệp khác như Khang Điền (KDH), Phát Đạt (PDR), Đất Xanh (DXG), Nam Long (NLG) cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đáng kể.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành đều có kết quả tích cực. Ngành dầu khí chịu tác động mạnh từ giá dầu giảm 8% so với cùng k. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận toàn ngành sụt giảm 65,4%. Riêng Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận khoản lỗ 90 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận âm.
Động lực chính từ tăng trưởng nhóm vốn hóa lớn
Thống kê theo vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp, nhóm vốn hóa lớn là động lực chính của lợi nhuận toàn thị trường, trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn hóa nhỏ lại có xu hướng giảm. Theo tính toán của VNDIRECT, lợi nhuận ròng tất cả các nhóm cổ phiếu tăng so với cùng kỳ trong quý IV/2024 ngoại trừ nhóm vốn hóa nhỏ. Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vốn hóa lớn vượt trội so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong quý IV vừa qua. Điều này cũng đảo ngược xu hướng từ đầu năm.
Tăng trưởng lợi nhuận nhóm VN30
Tính riêng ở nhóm VN30, lợi nhuận ròng quý IVtăng 20% svck, với 19/30 doanh nghiệp tăng trưởng. Trong đó, dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận là Vinhome (VHM ) với mức tăng 1.297% so với cùng kỳ, MSN (+1.279%), MWG (+838%), TPB (+245%) và SHB (+242%). Lợi nhuận của Vingroup (VIC) đạt 2.000 tỷ đồng, trong khi quý IV cùng kỳ ghi nhận lỗ 159 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lợi nhuận của VJC giảm 81% do hoạt động vận tải cốt lõi ghi nhận lỗ gộp.
Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ trong kỳ, trong đó có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngành Hóa chất (tăng 5 điểm phần trăm). Trong khi đó, tỷ lệ đòn bẩy tiếp tục tăng dù chi phí lãi vay cao. Ngyên nhân bởi nhu cầu tín dụng mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia phân tích từ VNDIRECT, chi phí lãi vay tăng vọt lên mức cao nhất trong năm quý do nhu cầu tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh để mở rộng sản xuất trong bối cảnh phục hồi kinh tế và lãi suất leo dốc.
Tỷ lệ đòn bẩy tiếp tục tăng
Chi phí nợ tăng lên 6,5%, tương ứng mức tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước. Hệ số nợ (giá trị nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu) tăng lên 74,6% trong quý IV, từ mức 74% thời điểm cuối quý III/2024.
Thanh Thủy