Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý III đạt gần 10.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ở mức hơn 31.500 tỷ đồng, tăng 6,7% và thực hiện 75% kế hoạch cả năm.
Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng, vượt xa so với vị trí thứ hai là Techcombank (gần 3.400 tỷ đồng cho quý III).
Trong quý III, cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Vietcombank đều lấy lại được đà tăng trưởng. Thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ, lên hơn 13.500 tỷ đồng.
Mảng dịch vụ cũng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực tới 43%, lên gần 1.300 tỷ đồng. Mảng kinh doanh khác đạt 555 tỷ đồng. Mảng kinh doanh chính khởi sắc giúp tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Quý III, chi phí hoạt động của Vietcombank đã tăng 11%, lên hơn 5.800 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm giảm khoảng 45% so với cùng kỳ. Việc giảm chi phí dự phòng cũng là cơ sở để Vietcombank duy trì lợi nhuận cao.
Tính đến ngày 31/9/2024, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 35% so với đầu năm. Tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là hơn 17.100 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank từ 0,99% lên 1,22%.
Sau 9 tháng, số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng 22% lên 35.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bao phủ 205%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm song vẫn thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 5% đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%.
Trong khi Vietcombank lãi lớn, một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank ghi nhận lãi sau thuế đạt gần 5.200 tỷ đông, tăng trưởng 33% trong quý vừa qua.
Động lực giúp VietinBank ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng mạnh trong quý vừa qua đến từ hầu hết hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt.
Thu nhập lãi thuần tăng 19%, đạt hơn 15.500 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 181%, mang về gần 4.000 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ kỳ trước sang lãi kỳ này.
Trong quý, chi phí hoạt động tăng 20% và chi phí trích lập dự phòng tăng 25%, tương ứng hơn 15.000 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ tăng trưởng tích cực từ hoạt động cho vay, VietinBank vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng quốc doanh này đã thu về hơn 19.500 ỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của VietinBank đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9%, đạt 1,61 triệu tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng 23.225 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,13% đầu năm lên 1,45%.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lãi trước thuế gần 6.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Khác với VietinBank, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của BIDV lại đến từ việc tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong quý III, khoản thu nhập lãi thuần của BIDV chỉ tăng nhẹ 1%, đạt gần 14.000 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 103%, mang về hơn 1.500 tỷ.
Tuy nhiên, các mảng kinh doanh ngoài lãi khác như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều suy giảm so với cùng kỳ.
Nhờ cắt giảm chi phí hoạt động và cắt giảm 25% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, BIDV mới ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý III.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng quốc doanh này đã thu về hơn 22.000 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng nợ xấu của BIDV là gần 33.400 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/ tăng từ 1,26% lên 1,71%.
Năm nay, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với kết quả năm 2023, tương đương khoảng 30.360 tỷ đồng. Sau 9 tháng, nhà băng này cũng đã hoàn thành 73% kế hoạch đề ra.
Trần Anh