Thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, tổng lợi nhuận trước thuế các ngân hàng đạt được trong năm 2024 là gần 300.000 tỷ đồng, tăng 45.400 tỷ so với năm 2023, tương đương tăng gần 18%.
Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành ngân hàng về lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính năm 2024, lãi trước thuế đạt 42.236 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 33.853 tỷ đồng, đây cũng là ngân hàng duy nhất đạt mức lợi nhuận trên 30.000 tỷ đồng năm 2024.
Tổng tài sản của Vietcombank tính đến cuối quý IV/2024 tăng 14% so với đầu năm, lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 1,45 triệu tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 9% so với đầu năm, lên hơn 1,51 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cuối năm ghi nhận 76.665 tỷ đồng trong khi đầu năm không có.
Hai cái tên còn lại trong Top 3 là VietinBank và BIDV. Trong đó VietinBank vươn mạnh lên vị trí thứ hai, thu được hơn 31.758 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 27% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt gần 30.361 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank trong năm 2024 chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần; góp vốn, mua cổ phần và nguồn thu nhập khác khi tăng trưởng hai con số lần lượt là 17,8%, 36% và 45,8%.
Năm 2024, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ trước thuế tăng 9% so với kết quả 2023, đạt 26.300 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã vượt 15% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tổng tài sản VietinBank tính đến cuối năm 2024 tăng trưởng 17% so với đầu năm, lên gần 2,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng thêm gần 17%, đạt số dư 1,72 triệu tỷ đồng. Ngân hàng cũng nâng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 36.664 tỷ đồng, tăng 32%.
Với BIDV, ngân hàng này ghi nhận mức lãi trước thuế là 31.383 tỷ đồng, tương đương gần 1,25 tỷ USD. Trong năm 2024, các mảng kinh doanh chủ lực như ngoại hối, góp vốn và chứng khoán đầu tư của ngân hàng này đều có mức tăng trưởng tích cực lần lượt là 13,9%, 25,5% và 70,6%.
Tổng tài sản của ngân hàng này tính đến cuối năm 2024 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (hơn 100 tỷ USD), tăng 19,4% so với năm trước, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,1%. Tổng dư nợ tín dụng vượt 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, chiếm thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường với tỷ lệ 13,1%.
Đứng thứ tư về lợi nhuận là MB với lãi trước thuế hơn 28.829 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Được biết, năm 2024, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6-8% so với kết quả năm 2023, dao động trong khoảng 27.884 - 28.410 tỷ đồng. Như vậy, MB đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của MB đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 27% so với đầu năm lên 776.657 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 26% lên 714.154 tỷ đồng.
Techcombank vẫn giữ vững phong độ ở vị trí Top 5 lợi nhuận ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ngân hàng này và vượt kế hoạch được giao (27.100 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 978.800 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 20,85% lên mức 640.700 tỷ đồng trong hạn mức được NHNN phê duyệt. Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 565.100 tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm.
Ngân hàng tư nhân tăng trưởng vượt bậc
Năm 2024, hệ thống ngân hàng tư nhân Việt Nam ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận, khi số lượng ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng ghi nhận thêm 3 cái tên mới, gồm SHB với 11.543 tỷ đồng; LPBank đạt 12.168 tỷ đồng và Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng.
Đặc biệt, khác với nhóm các ngân hàng quốc doanh chiếm lĩnh cuộc đua lợi nhuận, các ngân hàng tư nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Điển hình như VPBank, năm 2024, nhà băng này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng tới 85% so với năm trước, đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng quý IV/2024, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đã vượt 6.100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 2024 của ngân hàng mẹ VPBank cũng đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 36%.
Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công này là sự phục hồi mạnh mẽ của công ty tài chính FE Credit sau quá trình tái cấu trúc. Công ty con của VPBank đã liên tiếp báo lãi trong 3 quý gần đây, mang về 500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Bên cạnh VPBank, LPBank cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, lên đến 73% so với năm 2023. Cụ thể, LPBank công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của ngân hàng này cuối năm 2024 cũng đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tại ngày 31/12/2024 đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
BVBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lãi ròng trước và sau thuế tăng gấp 5,4 lần năm trước lên gần 391 tỷ đồng và 311 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng cũng tăng 56% so với năm 2023 lên 2.306 tỷ đồng. Năm 2024, BVBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, với khoản lãi lớn cuối năm, ngân hàng đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính riêng quý IV/2024, ngân hàng ghi nhận khoản lãi trước thuế gần 209 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 167 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý IV/2024 đã tăng 77% lên gần 759 tỷ đồng. BVBank cũng lý giải thêm, lợi nhuận quý cuối của ngân hàng tăng cao so với quý trước đến từ việc tăng mạnh hoạt động cho vay (đóng góp gần 40% mức tăng cả năm), tốc độ thu nợ đẩy nhanh với mức thu gần 3 lần bình quân các quý trước.
KIỀU CHINH