Tính đến sáng ngày 18/7, đã có 25 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý II/2025. Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc; trong đó nổi bật là sự tăng trưởng mạnh từ mảng tự doanh và cho vay.
Trong nhóm dẫn đầu, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 101 tỷ đồng trong quý II, dù giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động giảm nhẹ xuống còn 630 tỷ đồng do lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 31%, xuống 245 tỷ đồng. Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng mạnh, đạt hơn 217 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng nhẹ 2%, lên 457 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của KIS đạt 229 tỷ đồng, giảm 28%.
Doanh nghiệp chứng khoán đượcc nhận định sẽ hưởng lợi từ quá trình phát triển thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Bnews/vnanet.vn
Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt gần 85 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do công ty phải ghi nhận khoản lỗ gần 36 tỷ đồng khi đánh giá lại giá trị một số khoản đầu tư; trong đó chủ yếu là cổ phiếu MSH. Việc giá cổ phiếu này giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh quý II của FPTS. Tổng chi phí tăng 32,4% do chi phí đi vay cao hơn. Đồng thời, doanh thu môi giới giảm do công ty áp dụng chính sách giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng của FPTS đạt 258 tỷ đồng, giảm 32%.
Trái ngược với xu hướng giảm tại một số doanh nghiệp lớn, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh báo lãi quý 2 tăng gần 4 lần, đạt 78 tỷ đồng. Lãi từ tài sản FVTPL tăng 429%, đạt 127 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 143%, lên 39 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Chứng khoán DSC cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý 2, đạt 56 tỷ đồng, tương đương tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec, mã chứng khoán: APS) và Công ty cổ phần Chứng khoán VTG là hai đơn vị báo lỗ trong quý 2, lần lượt 9 tỷ và 10 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, APS lỗ tới 40 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm công ty đã công bố báo cáo tài chính, trong khi VTG lỗ 20 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 15 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chứng khoán đang đứng trước cơ hội lớn từ đà phát triển của thị trường. Tại sự kiện Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital nhận định việc nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng đã tạo ra bất ngờ cho thị trường. So với các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan hay Trung Quốc trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, tỷ lệ đầu tư so với GDP của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với mức 35 - 40% của các nước này. Trong những giai đoạn đó, thị trường chứng khoán có thể tăng gấp 2 - 5 lần trong vòng 5 năm.
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tại Dragon Capital cho rằng, để thị trường phát triển bền vững cần đa dạng hóa kênh huy động vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Theo đó, thị trường chứng khoán cần đạt quy mô gấp đôi hiện tại để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, với kỳ vọng đến năm 2030 sẽ chiếm 120% GDP, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng lên mức 25% GDP so với hiện tại chỉ khoảng 10 - 11%.
Về triển vọng nâng hạng thị trường, Dragon Capital kỳ vọng mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa vào tháng 9/2025. Các cơ quan quản lý đang tập trung vào ba trọng tâm chính: hoàn thiện thể chế, cải thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng cường đối thoại với tổ chức tín dụng. Theo Dragon Capital, quyết tâm chính sách hiện nay là cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào một bước tiến mới trong quá trình nâng hạng thị trường.
Bà Minh kỳ vọng, với động lực từ quá trình nâng hạng và làn sóng IPO dự kiến diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2026 - 2027, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào một "kỷ nguyên mới".
Văn Giáp/Bnews/vnanet.vn