Lợi nhuận PVOIL lao dốc mạnh bất chấp doanh thu tăng

Lợi nhuận PVOIL lao dốc mạnh bất chấp doanh thu tăng
18 giờ trướcBài gốc
Sức ép từ giá dầu và tỷ giá
Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu gần 32.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp đạt chưa tới 26 tỷ đồng, giảm gần 90% mức lãi hơn 244 tỷ đồng của quý I năm ngoái. Thậm chí, công ty mẹ còn báo lỗ 24 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 231 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh sa sút trên, phía PVOIL cho biết nguyên nhân chủ yếu do giá dầu giảm mạnh và tỷ giá USD tăng cao.
Theo đó, giá dầu Brent DTD trong ba tháng đầu năm có xu hướng giảm, trung bình quý I/2025 chỉ đạt 75,66 USD/thùng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7% so với trung bình hơn 80 USD/thùng của năm 2024.
Giá đầu vào giảm, giá xăng thành phẩm cũng giảm từ 7% - 15% so với cùng kỳ và giảm từ 5% - 9% so với trung bình năm 2024.
Sự thay đổi về giá vốn ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi gộp trong quý I/2025 đã giảm 57% so với cùng kỳ.
Tình hình tài chính của PVOIL cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực khi tiền gửi ngân hàng giảm mạnh 16% so với cùng kỳ, còn hơn 2.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi chênh lệch tỷ giá của PVOIL đã giảm tới 90% so với cùng kỳ, tương đương 70 tỷ đồng.
Hai yếu tố trên khiến doanh thu tài chính – chủ yếu là lãi tiền gửi của PVOIL đã giảm 31% trong quý I/2025, còn 171 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng do chi phí lãi vay tăng 25 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng lỗ chênh lệch tỷ giá cũng như chi phí trích lập dự phòng giảm giá đầu tư thêm 45 tỷ đồng.
PVOIL cho biết, mặc dù Tổng công ty đã triển khai các biện pháp để tiết giảm được 37% chi phí quản lý và bán hàng, song do các nguyên nhân nêu trên làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, PVOIL đã thông qua kế hoạch doanh thu 97.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 624 tỷ đồng cho cả năm, tương ứng giảm 22% và tăng 32% so với thực hiện năm 2024.
Đưa ra kế hoạch lợi nhuận tham vọng, song kết thúc quý I, lợi nhuận PVOIL lại thua xa năm ngoái và mới chỉ đạt 4,2% mục tiêu cả năm.
Lợi nhuận năm 2025 của PVOIL còn có thể chịu tác động từ kế hoạch chuyển sàn niêm yết của doanh nghiệp.
Theo đó, PVOIL đang tiến hành thủ tục phá sản cho Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ để loại bỏ ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Đây là một bước quan trọng để có thể niêm yết cổ phiếu lên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ban lãnh đạo dự kiến việc này sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Trong tài liệu đại hội cổ đông, PVOIL cho biết rằng khoản đầu tư vào Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ khó có khả năng thu hồi. Do đó, công ty có kế hoạch trích lập dự phòng 247 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2025.
Triển vọng "sáng" từ Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Trong khi kết quả kinh doanh không như ý, PVOIL cho biết doanh nghiệp vẫn mở mới thêm 29 cửa hàng xăng dầu trong quý I, nâng tổng số cửa hàng đang hoạt động lên 866 cửa hàng.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông, ban lãnh đạo công ty vẫn đặt niềm tin vào thị trường xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng mở sang mảng nhiên liệu mới là Jet A1 cho máy bay.
Đầu năm 2025, PVOIL đã nhận được giấy phép để phân phối nhiên liệu Jet A1. Công ty đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý IV/2025, với doanh thu thương mại bắt đầu từ đầu năm 2026.
PVOIL đặt mục tiêu tổng sản lượng nhiên liệu Jet A1 là 2 triệu tấn trong năm năm đầu tiên và đặt mục tiêu ban đầu nắm giữ 10% thị phần.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tác động của thuế đối ứng của Mỹ đối với lĩnh vực dầu khí là gián tiếp - chủ yếu thông qua tăng trưởng kinh tế chậm hơn, điều này có thể làm giảm nhu cầu xăng dầu. Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng có thể làm tăng rủi ro hàng tồn kho.
“Điểm sáng” lớn nhất trong triển vọng của PVOIL có thể đến từ sự thay đổi của cơ chế, với việc Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Theo các quy định hiện hành, giá cơ sở được xác định theo công thức bao gồm: trung bình chi phí tạo nguồn xăng dầu theo ước tính của Chính phủ, chi phí hoạt động định mức theo ước tính của Chính phủ và lợi nhuận hoạt động định mức là 300 đồng/lít.
Trong dự thảo mới được đưa ra hồi tháng 8/2024, đề xuất cho phép các nhà phân phối tự áp dụng giá bán, miễn giá bán vẫn dưới mức giá trần do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, trong cuộc họp nhà đầu tư gần đây, PVOIL cho biết, dự thảo nghị định mới nhất về kinh doanh xăng dầu (dựa trên ý kiến của Thường trực Chính phủ ngày 13/4 và đang được Bộ Công Thương xem xét lần cuối) đã có những thay đổi quan trọng. Đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch sang cơ chế định giá theo thị trường.
Phía PVOIL cho biết, bản thảo sửa đổi đề xuất loại bỏ lợi nhuận định mức và mức giá trần.
Nhà nước giờ đây sẽ chỉ công bố công thức giá, giá tham chiếu quốc tế, premium và chi phí hoạt động định mức. Các nhà phân phối sẽ tự tính toán và công bố giá bán lẻ dựa trên chi phí tạo nguồn thực tế và các yếu tố khác.
Theo PVOIL, đây là một sự thay đổi tích cực và mang tính thị trường hơn. Do mỗi nhà phân phối xăng dầu có chi phí tạo nguồn khác nhau, sự thay đổi này sẽ có lợi cho các công ty có mạng lưới bán lẻ lớn hơn và uy tín.
Phiên bản nghị định này thuận lợi hơn so với các giả định trước đây của chúng tôi dựa theo dự thảo tháng 8/2024, dù cần thêm đánh giá chi tiết”, công ty chứng khoán Vietcap đánh giá.
Trần Anh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/loi-nhuan-pvoil-lao-doc-manh-bat-chap-doanh-thu-tang-d40025.html