Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán HOSE: ACB) đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.597 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.680 tỷ đồng.
ACB cho biết kết quả lợi nhuận này phản ánh việc Ngân hàng đã chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quý, thu nhập lãi thuần, nguồn thu nhập chính của ACB, đạt 6.359 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng tăng 7,5%, nâng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu lên mức 20%, từ 18% cùng kỳ.
Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17% lên 872 tỷ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh thẻ tăng trưởng mạnh mẽ tới 161%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang về khoản lãi gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 476 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng gần 3 lần, đạt hơn 182 tỷ đồng. Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm mạnh 88%, chỉ còn gần 24 tỷ đồng, và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ có lãi sang lỗ.
Về chi phí, ACB đã kiểm soát chi phí hoạt động khá tốt khi giảm 3% so với cùng kỳ, xuống còn gần 2.692 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 34%. Dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) vẫn giảm 3%, còn gần 5.223 tỷ đồng.
Trong quý 1/2025, Ngân hàng đã tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thêm 22%, lên hơn 626 tỷ đồng. Việc tăng cường trích lập dự phòng là một trong những yếu tố chính dẫn đến lợi nhuận trước thuế sụt giảm.
Dù lợi nhuận quý đầu năm giảm nhẹ, ACB vẫn duy trì tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức cao, trên 20%. So với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng cho cả năm 2025, Ngân hàng đã thực hiện được 20% kế hoạch sau quý đầu tiên.
Tính đến 31/03/2025, tổng tài sản của ACB đạt 891.674 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3% lên 598.805 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 550.375 tỷ đồng.
Các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động của ACB tiếp tục được duy trì ở mức tích cực. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt 79,8%, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) theo Basel II trên 11%.
Về chất lượng tài sản, nếu loại trừ 9.423 tỷ đồng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tại Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), tổng nợ xấu của ACB tính đến cuối quý 1/2025 là 8.844 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (không bao gồm ACBS) giảm nhẹ từ 1,51% xuống còn 1,5%.
Khánh Ly