Lối sống hiện đại và mục tiêu xây dựng quốc gia xanh

Lối sống hiện đại và mục tiêu xây dựng quốc gia xanh
3 giờ trướcBài gốc
Mức độ thân thiện với môi trường của các quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Khái niệm "Quốc gia xanh"
Quốc gia xanh là một thuật ngữ dùng để chỉ những đất nước thân thiện với môi trường. Trên thế giới, các quốc gia được các nhà khoa học xếp hạng theo tiêu chí đánh giá mức độ xanh hóa (Green) để xác định những đất nước xanh (Green Country) thành công, chia sẻ những kinh nghiệm có giá trị của họ nhằm tạo nên một phong trào bảo vệ sự bền vững của môi trường sống toàn cầu, đối phó với những đe dọa của hiện tượng biến đổi khí hậu. Việc đánh giá này được tiến hành 2 năm một lần. Tùy vào sự nỗ lực xanh hóa đất nước của mình mà bảng xếp hạng Quốc gia xanh có những thay đổi trong thang điểm xếp hạng.
Trung tâm Chính sách và Luật môi trường Yale (YCELP) thuộc Đại học Colombia (New York, Hoa Kỳ) đã xây dựng Bảng "Chỉ số thành tích môi trường" (Environmental Performance Index – EPI) để dùng vào việc đánh giá hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường của các quốc gia. Bảng EPI có 40 chỉ số hoạt động trên 11 hạng mục vấn đề. Các chỉ số đánh giá chia thành 2 nhóm chính:
Nhóm I: Đo lường những nỗ lực giảm áp lực môi trường lên sức khỏe con người, gọi là nhóm chỉ số sức khỏe môi trường (Environmental Health).
Nhóm II: Đo lường việc giảm những mất mát hay suy giảm hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên để xác định tính bền vững của hệ sinh thái, gọi là chỉ số sức sống hệ sinh thái (Ecosystem Vitality).
Trong bảng EPI, điểm cao nhất là 100, còn thấp nhất là 0. Trên thực tế, qua nhiều lần xếp hạng, chưa có quốc gia nào đạt 100 điểm.
Việc đánh giá theo EPI đã được thực hiện tại 180 quốc gia. Thông thường, người ta công bố top 10 quốc gia đứng đầu trên thang xếp hạng. Đó là những quốc gia giải quyết tốt bài toán môi trường và phát triển bền vững được đặt ra trong thế kỷ XXI.
10 quốc gia xanh, thân thiện nhất với môi trường năm 2022
Đan Mạch có nền nông nghiệp xanh bền vững.
Đan Mạch (Điểm EPI: 77,90)
Thành tích ấn tượng nhất của Đan Mạch là đã cắt giảm được một nửa lượng khí thải trong 25 năm qua. Họ đang phấn đấu giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030 và hoàn toàn trung hòa carbon vào năm 2050. Copenhagen của Đan Mạch là thành phố đáng sống – Thành phố xe đạp. Để trở thành một thành phố xe đạp, người ta có cả một lộ trình vận động cư dân thành phố lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại phổ biến trong nội thành. Một nửa chuyến đi học và đi làm trong thành phố này là dùng xe đạp.
Cố đô Huế của Việt Nam cũng đang muốn đưa Huế trở thành "thành phố xe đạp" như thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Đan Mạch cũng nổi tiếng có một nền nông nghiệp xanh và bền vững. Trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản, người ta rất yên tâm các sản phẩm ở đây hoàn toàn bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Vương quốc Anh (Điểm EPI: 77,70)
Cùng với Đan Mạch, Vương quốc Anh đang hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quốc gia này có khoảng 8.879 tua bin gió, cung cấp một nguồn điện sạch và bền vững. Vương quốc Anh rất kiên quyết thay thế hệ thống sản xuất công nghiệp vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (nguồn năng lượng hoàn toàn sạch như ánh sáng mặt trời, mưa, gió, thủy triều v.v…
Phần Lan (Điểm EPI: 76,50)
Thủ đô Helsinki có chương trình cho thuê xe đạp nổi tiếng nhất thế giới. Người ta gọi Thủ đô này là thành phố thân thiện với xe đạp và có nhiều đường xe đạp. Mọi người có thể thuê xe đạp tại các bãi đỗ xe công cộng hoặc sử dụng dịch vụ cho thuê xe đạp.
Phần Lan coi tàu điện ngầm là một phương tiện đi lại thuận lợi và sạch, nhất là tàu điện ngầm ở trung tâm thành phố Helsinki.
Phần Lan sử dụng hơn 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo. Với quốc gia này, việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học được coi là ưu tiên hàng đầu. Phần Lan có những con đường dành riêng cho người đi bộ hoặc đi xe đạp. Cơ quan môi trường ở đây đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc tạo ra khí thải nhà kính và khuyến khích người dân sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Malta (Điểm EPI: 75,20)
Quốc đảo Malta có thành tích đặc biệt trong việc kiểm soát tốc độ axit hóa, giảm thiểu các chất gây ô nhiễm gây ra biến đổi khí hậu và cung cấp nước sạch cho người dân. Đặc biệt, Malta quản lý rất tốt dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Malta có hang động xanh Blue Grotto và hòn đảo nhỏ có nhiều loài sinh vật quý hiếm sinh sống. Thủ đô Valletta là "Thủ đô văn hóa", trong đó có hệ thống xe bus sạch và lối sống xanh.
Malta khuyến khích sử dụng xe hơi điện và các phương tiện giao thông sạch. Việc khai thác tài nguyên biển và bảo vệ hệ sinh thái biển được quy định rất chặt chẽ. Cánh đồng ngọc trai là "khu đặc biệt bảo tồn", đảm bảo duy trì hệ sinh thái đa dạng.
Thụy Điển (Điểm EPI: 72,70)
Thụy Điển nổi tiếng với việc sử dụng nhiên liệu tái tạo và lượng khí thải carbon dioxide tối thiểu, nhờ đó trở thành quốc gia rất thân thiện với môi trường. Thụy Điển đã đưa ra mức thuế carbon vào năm 1995, đi đầu thế giới trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Thụy Điển có hệ thống quản trị môi trường thuộc top đầu của thế giới ngày nay.
Nhiều người thường nói "Sống xanh như Thụy Điển". Họ có lối sống xanh từ quá sớm so với nhiều nước khác. Quốc gia này đi đầu trong việc phân loại rác. Có những thứ ở các quốc gia coi là rác và vứt bỏ, thì ở Thụy Điển họ lại tái chế thành thức ăn. Chẳng hạn, vỏ cà rốt và khoai tây được họ làm sạch, tẩm ướp rồi chiên giòn, làm thành một món ăn để tiếp khách.
Người Thụy Điển thường dùng xe đạp đi làm, đi dạo chơi. Họ cũng thích ăn chay, hoặc khi mua thức ăn, họ ưu tiên chọn các sản phẩm tươi sống ở địa phương. Với rác thải thực vật, các gia đình thường có chỗ ủ sau nhà để chế thành phân hữu cơ, bón cho rau họ tự trồng. Kinh tế gia đình của họ là một hình thức kinh tế tuần hoàn.
Ở Thụy Điển có hàng ngàn công ty đã quen với kinh tế tuần hoàn. Tại những cửa hàng, người tiêu dùng luôn được nhắc nhở hoặc tư vấn đến việc lựa chọn sản phẩm của kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được huấn luyện để ngay từ đầu khởi tự đã có hành vi xanh.
Luxembourg (Điểm EPI: 72,30)
Là một quốc gia nhỏ, GDP và dân số đều tăng nhanh, nhưng họ lại là nước quản lý rất tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học và axit hóa. Hiện giờ, Luxembourg đang tích cực hiện đại hóa giao thông công cộng để giảm lưu lượng xe tư nhân nhằm giảm tải áp lực xe cộ. Họ cũng tăng cường phát triển nền công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo từ 5 năm trước đây, tăng gấp đôi năng lượng mặt trời và gấp ba năng lượng gió.
Người ta gọi Luxembourg là "Trái tim xanh của châu Âu" bởi nó là vùng đất được bao phủ bởi cây xanh tuyệt đẹp. Những công viên và khu vườn đã tạo nên một vành đai xanh, làm cho cuộc sống người dân có chất lượng cao. Người Luxembourg thường sử dụng xe đạp và xe điện để đi làm, đi chơi. Corniche được coi là "ban công đẹp nhất châu Âu", trải dài trên các thành lũy được người Tây Ban Nha và Pháp xây từ thế kỷ XVII.
Slovenia (Điểm EPI: 67,30)
Slovenia là quốc gia xanh nhất Đông Âu và xanh thứ bảy trên toàn cầu. Theo sáng kiến Natura 2000 của EU, Slovenia đã nỗ lực về bảo vệ môi trường, dành thứ hạng cao trong EPI. Slovenia cũng được mệnh danh là "Trái tim xanh" của châu Âu. Nhiều quốc gia phải kính nể độ phủ xanh của cây cối ở xứ này. Quốc gia này chỉ rộng 20.000km² với dân số hơn 2 triệu người. Đặc trưng địa lý của Slovenia là "vùng đất của rừng". Người Slovenia tự hào về đất nước xanh của mình. Họ nói rằng, trong DNA của mỗi người dân ở đây đều có màu xanh của cây cối.
Theo "Chỉ số quốc gia tốt" (Great Country Index), Slovenia đứng thứ tư trong 158 quốc gia có những đóng góp về bảo vệ khí hậu trong lành của hành tinh xanh. Tại thủ đô Ljubljana, việc đi lại bằng ô tô bị hạn chế. Ở đây có hệ thống chia sẻ xe đạp BikeLJ công cộng, giúp du khách dễ dàng tìm ra những điểm cho thuê xe đạp.
Cảnh quan đa dạng đã tạo nên một lối sống xanh của dân Slovenia. Họ thích leo núi, đặc biệt là leo lên đỉnh ngọn núi Triglav. Dân cư ở đây có câu nói: "Chưa lên đỉnh Triglav thì chưa phải là dân Slovenia".
Đến Slovenia, người ta có ấn tượng Slovenia hoang dã nhưng lối sống rất hiện đại.
Áo (Điểm EPI: 66,50)
Sống hòa hợp với môi trường là lối sống được lựa chọn ưu tiên của dân cư nước này. Chính phủ Áo có những chính sách thúc đẩy bảo tồn các điều kiện tự nhiên của môi trường sống, lồng ghép các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên với các mục tiêu kinh tế - xã hội. Áo quản lý chặt chẽ về chất thải, hóa chất và ô nhiễm không khí. Họ cũng rất chặt chẽ việc bảo vệ rừng và giảm thiểu nạn phá rừng.
Áo là nhà tái chế hàng đầu thế giới. Khoảng 63% chất thải đã được tái chế, vượt xa Anh (39%), Ý (26%), Hoa Kỳ (34%), Úc (30%).
Thủ đô Vienna của Áo đã được bình chọn là thành phố có chất lượng sống cao nhất trong 10 quốc gia top đầu của thế giới.
Thụy Sĩ (Điểm EPI: 65,90)
Thụy Sĩ được đánh giá cao về tài nguyên nước, độ sạch của nước, tính bền vững của sức khỏe môi trường. Thụy Sĩ rất chú ý những mặt hàng thân thiện với môi trường và tài nguyên. Thụy Sĩ cũng nổi tiếng là nhà tái chế. Quốc gia này tận dụng khá triệt để năng lượng mặt trời và địa nhiệt sẵn có. Họ dùng các máy bơm nhiệt và những tua bin gió để tạo ra điện. Họ khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh và cấm xây dựng các hạ tầng cơ sở mới ở đó.
Thụy Sĩ có thành tích xử lý nước thải đô thị rất cao. Toàn bộ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chỉ sau khi được xử lý chuẩn mới được dẫn vào các sông, hồ. Dân Thụy Sĩ tự hào là đất nước có 80% hồ nước có thể uống trực tiếp, chẳng cần phải đun sôi.
Để bảo vệ độ trong sạch của các nguồn nước ngầm, Thụy Sĩ cấm chôn rác thải không đốt cháy được, không tuần hoàn sử dụng. Cách đây trên 30 năm, Thụy Sĩ đã thực hiện việc phân loại rác thải rất chi li, rất nghiêm ngặt. Các chai lọ có công dụng khác nhau cũng phải phân loại để xử lý riêng. Trên đường phố, ta thấy có các thùng rác có biển tên khác nhau, chỉ rõ thùng nào dùng rác nào, không cho phép thùng rác chứa chung các loại rác thải.
Phần Lan (Điểm EPI: 78,64)
Phần Lan là quốc gia đứng đầu về sức khỏe môi trường và đứng thứ 10 về xếp hạng EPI. Quốc gia này rất nổi tiếng trong các lĩnh vực khắc phục phơi nhiễm kim loại nặng, vệ sinh, nước sạch và chất lượng không khí.
Phần Lan ưu tiên bảo tồn rừng và động vật hoang dã. Ngoài ra, Phần Lan đã thực hiện được 35% điện sinh hoạt được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Phần Lan có những cộng đồng dân cư sống xanh. Một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Phần Lan, gần bờ biển Baltic là cộng đồng sống xanh nhất châu Âu. Cộng đồng có khoảng 10.000 dân. Hầu hết người lớn và trẻ nhỏ ở đây đều tham gia tích cực vào các hoạt động làm giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường. Trong 10 năm qua, tỷ lệ giảm thiểu này đạt 80%.
Trong nhà trường, trẻ em được dạy bảo về cách bảo vệ khí hậu từ những điều nhỏ nhất như giảm thiểu sử dụng điện và nước. Nhờ ý thức này, người dân Phần Lan đã giảm được một nửa mức tiêu thụ điện. Tiền tiết kiệm điện được dùng để mua đồ chơi cho trẻ em hoặc mua hạt giống để lũ trẻ tập trồng cây.
Phần Lan có lượng tua bin gió cao nhất trong vùng Scandinavian. Năng lượng không tái tạo, khí đốt gây ô nhiễm đều bị cấm sử dụng.
Việt Nam trong bảng xếp hạng các quốc gia xanh ở Đông Nam Á theo chỉ số EPI
Năm 2020, kết quả xếp hạng các quốc gia xanh ở khu vực Đông Nam Á như sau:
Bảng 1: Việt Nam trong bảng xếp hạng bảo vệ môi trường theo EPI
Như vậy, Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar về thành tích bảo vệ môi trường. Nhìn chung, Việt Nam chỉ có 2 chỉ số cao hơn chỉ số trung bình của khu vực, còn lại đều thấp. Hai chỉ số đó là: Sanitation & Drinking water (An toàn vệ sinh và nguồn nước uống); Agriculture (Nông nghiệp)
Theo Báo cáo EPI năm 2020, với số điểm đạt được là 33,40/100, Việt Nam xếp thứ 141 trong 180 quốc gia được xếp hạng (141/180).
Sự xếp hạng gần như ở cuối bảng (chỉ hơn Myanmar) làm cho chúng ta phải suy nghĩ đến những yếu kém của mình trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu so sánh với thành tích Việt Nam đạt được năm 2010 thì việc xếp hạng có sự cải thiện.
Bảng 2: Sự cải thiện trong xếp hạng về thành tích môi trường của Việt Nam tại 2 thời điểm 2010 và 2020
Đi vào cụ thể, trong việc xếp hạng EPI, Việt Nam không được đánh giá cao bởi có nhiều điểm yếu kém, trở thành thách thức rất lớn.
Thiên nhiên ở Việt Nam đã bị các cuộc chiến tranh tàn phá trong suốt 30 năm, ngoài bom đạn cày xới đất đai, đồi núi, rừng rú, chất độc màu da cam còn có nạn phá rừng làm cho nhiều vùng đất bị ô nhiễm nặng nề, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người 8 trước cách mạng tháng 8 năm 1945, rừng ở nước ta bao phủ tới 34,8% diện tích đất đai, nay còn 28% (dưới mức báo động 30%). Trong khi đó, 14,4 triệu ha bị sói mòn mà nguyên nhân chính là khai thác gỗ vô tội, mở mang giao thông và xây dựng thủy điện chưa có quy hoạch tổng thể. Mặt khác, việc sử dụng đất đai còn thiếu hợp lý, làm lãng phí lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái đang tiếp tục gia tăng. Việc xả chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các chất độc hại của quá trình sản xuất không được xử lý nghiêm túc. Việc phun thuốc trừ sâu, sử dụng phân vô cơ chưa bảo đảm đúng quy trình khoa học. Cả nước có 5400 làng nghề (riêng Hà Nội có 1350 làng nghề), trong đó có tới 95% hoạt động gây ô nhiễm môi trường, 50% gây ô nhiễm nặng nề. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa đầu tư có hiệu lực cho việc xử lý chất thải.
- Nồng độ bụi đô thị ở Việt Nam vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 ở các thành phố lớn và khu đô thị đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Tiếng ồn cũng là vấn đề nan giải trong các khu dân cư.
- Nguồn tài nguyên biển bị khai thác quá mức, môi trường biển bị ô nhiễm ở nhiều nơi, chất thải công nghiệp đổ ra biển bừa bãi, hệ sinh thái biển bị mất cân bằng, sự đa dạng sinh học biển đang giảm dần, sự cạn kiệt nguồn gen đang đe dọa. Hiện tượng nước biển dâng đang báo động về những hậu quả đáng sợ sẽ xảy ra.
Những điều kiện cần thiết để xây dựng quốc gia xanh
Để trở thành một quốc gia xanh, bền vững và phát triển nhanh, Việt Nam có rất nhiều công việc phải làm. Để có được thương hiệu xanh, trước hết Chính phủ phải có được những chính sách bảo vệ môi trường, xây dựng các kỹ năng và năng lực của nguồn nhân lực quốc gia phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu với nhãn hiệu xanh, tạo uy tín của các sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt, thân thiện với môi trường.
Quốc gia xanh phải có sức hút con người từ khắp nơi đến tham quan du lịch, học tập và làm việc, hấp dẫn các doanh nghiệp và cá nhân từ nước ngoài tới kinh doanh, xây dựng văn hóa xanh như một điều kiện cơ bản của lối sống hiện đại. Trên nền tảng đó mà quảng bá các thương hiệu xanh, định vị đất nước là quốc gia xanh trên thế giới.
Một trong những việc phải làm đầu tiên là phát triển các công trình xanh. Hiện nay, Việt Nam thực hiện còn quá khiêm tốn. Trong 15 năm qua, Việt Nam mới có được trên 300 công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 mặt sàn. Việt Nam cần thấy được nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, các công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0. Nhà nước cần có kế hoạch dài hạn phát triển các công trình xanh đi đôi với việc xây dựng hành lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các dự án đầu tư theo hướng này.
Trên lộ trình hiện đại hóa, phải hướng sự phát triển công nghiệp vào nền công nghiệp xanh (Green Industry). Đó là nền công nghiệp thân thiện với môi trường. Nền công nghiệp xanh dựa trên nền tảng những công nghệ tiên tiến để đạt các tiêu chí.
Giảm thiểu khí thải nhà kính: Sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các biện pháp kiểm soát khí thải CO2 và các khí thải độc hại;
Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên: Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, khoáng sản, nguyên liệu thông qua quy trình tái chế, tái sử dụng, hạn chế hóa chất độc hại;
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Áp dụng các biện pháp tiên tiến xử lý chất thải, nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
Bảo vệ hệ sinh thái: Hướng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng môi trường sống an toàn cho con người và động thực vật.
Nếu ở Việt Nam, xanh hóa công nghiệp là hệ trọng thì xanh hóa nông nghiệp cũng hết sức cần thực hiện cho thật tốt. Cần có một cách tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp, đồng thời về 2 phương diện: tăng sức khỏe con người và tăng sức sống hệ sinh thái.
Nông nghiệp xanh tập trung vào sử dụng những phương pháp canh tác thông minh, phân bón hữu cơ, tránh lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học mà cây trồng vẫn tránh khỏi các loại sâu bệnh và tăng năng suất, đồng thời tránh được những độc hại tác động đến con người và các động vật khác.
Có 5 vấn đề về phương pháp và công nghệ phải được thực hiện đầy đủ:
- Sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh vật có lợi;
- Áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh để cung cấp thực phẩm an toàn và tăng cường chất lượng đất;
- Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước;
- Giảm sử dụng chất hóa học và thuốc trừ sâu;
- Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nông nghiệp.
Bàn về Quốc gia xanh, ta thấy còn ngổn ngang những vấn đề khó xử lý đang ở phía trước. Có thể phải dùng tới rất nhiều biện pháp về công nghệ và kỹ thuật, về chính sách đủ hiệu lực, về hành lang pháp lý theo lộ trình xây dựng và phát triển các lĩnh vực sản xuất phải xanh hóa. Song, có lẽ phải đặt ra một vấn đề ở tầm chiến lược cao hơn: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như một khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội – một lực lượng lao động có tư duy xanh và lối sống xanh. Thiếu yếu tố này thì kỳ vọng về một quốc gia xanh khó có thể thành một hiện thực bền vững.
GS.TS Phạm Tất Dong
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/loi-song-hien-dai-va-muc-tieu-xay-dung-quoc-gia-xanh-179241007205426875.htm