Lời thề 34 ngôi sao - đuốc sáng bước vào kỷ nguyên mới

Lời thề 34 ngôi sao - đuốc sáng bước vào kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
BPO - LTS: Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt (QGĐB) rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng), nơi 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (TTGPQ) ngày 22-12-1944 đã hô vang 10 lời thề son sắc “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam…” tiến quân quyết chiến đấu làm thay đổi vận mệnh dân tộc. Và hôm nay, thế hệ trẻ chúng tôi vinh dự, tự hào hô vang lời thề trong lễ kết nạp đảng viên mới để nguyện tiếp bước lời thề cha anh xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới - đảng viên trẻ Đoàn Thị Hồng Hạnh đại diện cho hàng trăm đảng viên vinh dự được kết nạp Đảng tại Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) xúc động bày tỏ.
BÀI 1:
TỪ CHỈ THỊ CỦA NGƯỜI VANG 10 LỜI THỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VIỆT NAM
Ngày nay, các thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông tại điểm di tích xóm Lũng Cát, xã “đỏ” Nà Sác năm xưa (nay là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) tự hào kể lại cho chúng tôi nghe: Cuối tháng 9-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Cao Bằng, sau khi nắm bắt tình hình phong trào cách mạng trong nước và thời cơ quốc tế, Người chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Đức Thạc, Lê Quảng Ba khẩn trương thành lập Đội Việt Nam TTGPQ để vừa tuyên truyền chính trị, vừa đấu tranh vũ trang nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân chuẩn bị đứng lên tổng khởi nghĩa toàn quốc giành chính quyền.
34 NGÔI SAO CHIẾN CÔNG VANG PHAI KHẮT - NÀ NGẦN
Những năm tháng lịch sử hào hùng xưa như hiện về qua lời kể xúc động của đảng viên trẻ Chu Thị Hải, hướng dẫn viên Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo: Nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trước tình hình gấp rút, nắm bắt thời cơ thuận lợi cho Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Đức Thạc (tức Lã) là Bí thư Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Lê Quảng Ba đã nhanh chóng lựa chọn người từ đội vũ trang là những chiến sĩ trung kiên trong các đội du kích châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Ngân Sơn… và một số đồng chí học quân sự ở nước ngoài về, tập trung vũ khí.
Đội Việt Nam TTGQP được thành lập vào ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (Cao Bằng). Đội gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, Hoàng Sâm làm đội trưởng, Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên.
10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam TTGPQ
Trong buổi lễ thành lập nghiêm trang, hùng tráng dưới khu rừng Trần Hưng Đạo, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chuyển chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến đội triển khai nhiệm vụ: Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất giao thời. Vận động võ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này.
Trong không khí uy nghiêm, toàn thể đội viên đã đọc 10 lời thề danh dự “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam….”, 12 điều kỷ luật của quân đội cách mạng và giơ tay hô vang “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra.
10 lời thề đã hun đúc lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đồng bào, tinh thần kiên trung, anh dũng chiến đấu trước mọi kẻ thù. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngăn chặn quân Pháp tại đồn Phai Khắt (Tam Kim) - Nà Ngần (Hoa Thám) châu Nguyên Bình khủng bố, lùng sục đàn áp phong trào cách mạng của ta trên tuyến cơ sở cách mạng của ta từ Hòa An - Nguyên Bình - Ngân Sơn - Ba Bể (Bắc Kạn) sang Tuyên Quang, đội đã lên kế hoạch mở trận đánh vào 2 đồn này (ngày 25 và 26-12-1944).
Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đội đã nghiên cứu, khảo sát kỹ địa bàn, xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, phối hợp cán bộ Việt Minh, đội vũ trang, tổ chức và nhân dân địa phương cùng phối hợp, tổ chức trận đánh; cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương) 12 tuổi tiếp tế thực phẩm vào đồn để trinh sát từng vị trí trong đồn Phai Khắt nhằm xây dựng phương án tác chiến.
“Dân bản bà con bí mật chuẩn bị lương thực, nắm cơm sẵn sàng tiếp tế trên các ngả đường tiến quân của cán bộ Việt Minh. Lúc đó, vì cấp trên bí mật, nên chị em chúng tôi nhận được lệnh vận động góp gạo nấu cơm, khâu chăn, túi, áo… cho cán bộ cấp trên đi qua đây có việc, không biết là để hỗ trợ Đội Việt Nam TTGPQ” - bà Bàn Thị Chủ, dân tộc Dao Tiền, lão thành cách mạng, ở xã Hoa Thám kể lại.
Chiều tối ngày 25-12-1944, đội cải trang thành toán lính dõng, đồng chí Thu Sơn đóng giả làm đội sếp đi đầu tiến vào đồn Phai Khắt đánh địch bất ngờ lúc chiều tối, khống chế các vị trí kho súng, cửa ra vào… nên chỉ khoảng 30 phút, toàn đội đã áp đảo đồn Phai Khắt thu nhiều súng, đạn, dược, lương thực.
Sau đó, ngay trong đêm, đội nhanh chóng hành quân đêm sang đồn Nà Ngần. Sáng ngày 26-12, đội cải trang thành đoàn lính dõng dẫn giải 3 tên “cộng sản bị bắt” (giả) đến giao nộp cho quan đồn. Lính gác ngoài không phát hiện nên đội nhanh chóng vào trong rồi bất ngờ khống chế từng vị trí giá súng, nơi làm việc của tên đội Đường... Chỉ hơn 15 phút, đội đã khống chế bắt tên Phó lý Pảo, binh lính và giành chiến thắng.
Đồn Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - nơi Đội Việt Nam TTGPQ mở trận đánh đầu tiên thắng lợi giòn dã
Hai chiến thắng vang dội đồn Phai Khắt - Nà Ngần của Đội Việt Nam TTGPQ thể hiện tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu để bảo vệ nhân dân của 34 chiến sĩ; quán triệt sâu sắc tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đấu tranh vũ trang phải dựa vào dân, phối hợp giữa quân chủ lực với đội vũ trang địa phương; cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
TIẾN QUÂN CHIẾN THẮNG KHẮP DẢI NON SÔNG
Sau chiến thắng vang dội đồn Phai Khắt - Nà Ngần, Ðội Việt Nam TTGPQ đã nhanh chóng phát triển thành đại đội và theo chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tiến xuống phía Nam. Trên con đường tiến quân chính do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Nguyên Bình - Bảo Lạc - Bắc Kạn - Tân Trào (Tuyên Quang)… dù đã 80 năm trôi qua nhưng các thế hệ đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… vẫn kể lại những tấm gương hy sinh, kiên cường vượt mọi gian nguy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đêm ngày 4-2-1945, đội mở trận đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc), Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập đánh đồn, bị đạn xuyên qua ngực, anh gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu “Mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình đánh đi!”. Thế Hậu chạy tới xốc Xuân Trường lên, nhưng anh gạt đi và giục “Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên!”. Rồi Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng, anh là liệt sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam TTGPQ…
Bà Bàn Thị Chủ, dân tộc Dao Tiền, lão thành cách mạng, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, kể chuyện về năm tháng (1942-1944) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giác ngộ đi theo cách mạng
Trên các tuyến hành quân, đội đã tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia tổ chức Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, tranh thủ khi chính quyền thân Nhật còn yếu, một số nơi đã tiến hành khởi nghĩa từng phần giành chính quyền cơ sở.
“Trên đường đội tiến quân từ Nguyên Bình - Ngân Sơn (Cao Bằng) - Ba Bể - Chợ Đồn - Nghĩa Tá (Bắc Kạn) - Tân Trào (Tuyên Quang) trải qua rất nhiều gian nan, đặc biệt vượt qua dãy núi Phja Boóc quanh năm sương mù bao phủ, rét lạnh cắt da thịt, phải lấy lá khô rải lót nằm qua đêm, nhường nhau mặc áo ấm, đồng bào các dân tộc đùm bọc tiếp tế lương thực… Để nhớ công lao các thế hệ cha anh, bà con đặt tên dãy núi Phja Boóc là Núi cứu quốc quân” - ông Hoàng Thăng Bắc, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Bể (Bắc Kạn) xúc động kể.
Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang… lực lượng Cứu quốc quân 1, 2, 3 đẩy mạnh công tác vũ trang, tuyên truyền xây dựng các cơ sở cách mạng tại nhiều bản làng, lập mới nhiều đơn vị tự vệ, du kích và tiến hành các trận đánh trừ gian, phục kích đánh đồn lính bảo an và lính Nhật. Đến cuối tháng 3-1945, chính quyền nhiều xã trong tỉnh đã về tay nhân dân.
Tư liệu, hình ảnh chiến thắng đồn Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945). Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ được triệu tập bàn chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, xây dựng các lực lượng vũ trang quyết định thống nhất Cứu quốc quân 1, 2, 3 và Đội Việt Nam TTGPQ cùng các tổ chức vũ trang khác thành một lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân (VNGPQ) (ngày 15-5-1945) để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sự ra đời của VNGPQ là bộ đội chủ lực của cả nước đã đánh dấu bước trưởng thành ban đầu của quân đội ta về quy mô tổ chức, từ phân tán đến tập trung. Mặc dù trang bị thô sơ, huấn luyện còn đơn giản, nhưng các đơn vị VNGPQ đã phát huy bản chất cách mạng cùng bộ đội các địa phương, đội tự vệ, tự vệ chiến đấu và nhân dân chiến đấu giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập, sẵn sàng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi nhân dân Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) nhân dịp về thăm lại Pác Bó năm 1994 - Ảnh: Tư liệu
Trước thời cơ vận mệnh lịch sử dân tộc, 10 lời thề thôi thúc ý chí chiến đấu ngoan cường của toàn lực lượng VNGPQ như đang tái hiện trước mắt chúng tôi qua lời kể của chị Lò Thị Tâm, hướng dẫn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang): Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tại Trân Trào, Tuyên Quang. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Theo lời kêu gọi của Đảng, Tổng bộ Việt Minh và chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, toàn thể các chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng với nòng cốt là lực lượng VNGPQ tỏa ra các hướng chiến đấu đã phối hợp với quần chúng nhân dân cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa toàn quốc, đứng lên giành chính quyền thành công.
Năm 1941-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Cao Bằng làm nơi về nước để lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Gắn bó máu thịt với Cao Bằng, Người rèn luyện nhiều cán bộ cách mạng Trung ương Đảng và cả nước, trong đó có cán bộ, chiến sĩ, quần chúng Cao Bằng trưởng thành, vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đội Việt Nam TTGPQ để thực hiện sứ mệnh lịch sử trọng đại của dân tộc. Từ 10 lời thề của 34 chiến sĩ năm xưa gắn với lời thề của Đảng đã có là ngọn lửa soi đường cho thế hệ trẻ cả nước tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tiến quân xây dựng vươn mình đến kỷ nguyên đổi mới đất nước.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Dương Mạc Thăng
Ngày 30-8-1945, Chi đội 3 và 1 đại đội thuộc Chi đội 4 của VNGPQ, từ Khu giải phóng Việt Bắc về ra mắt quần chúng nhân dân tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội. Ngày 2-9-1945, VNGPQ “sát cánh cùng các đội tự vệ của công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ Chính phủ lâm thời”, cùng hàng chục vạn nhân dân mít tinh mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tiên đoán của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam TTGPQ đã thành hiện thực: Từ đội quân ban đầu có 34 chiến sĩ, hoạt động tại Cao Bằng đã trở thành VNGPQ có quy mô rộng lớn cả nước. Đến giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên VNGPQ thành Vệ quốc đoàn - Quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
10 lời thề của Đội Việt Nam TTGPQ năm xưa đã trở thành 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắp sáng tinh thần anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục giành nhiều chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến thần kỳ đánh bại quân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) thống nhất đất nước; tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước.
Trường Hà - Minh Hòa
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/166739/loi-the-34-ngoi-sao-duoc-sang-buoc-vao-ky-nguyen-moi