Bài 3:
“RA TRẬN” GIỮA THỜI BÌNH
BPO - “Non sông, gấm vóc hôm nay là máu xương bao thế hệ anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Chúng tôi là đảng viên, đoàn viên thanh niên trẻ tự hào mang trong mình truyền thống vẻ vang lời thề với Đảng, 10 lời thề Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng giúp dân phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo không để ai bỏ lại phía sau; gìn giữ biên cương, hải đảo, biển trời của Tổ quốc” - Trung tá Lục Thuần Hóa, Phó Tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tự hào chia sẻ.
Chủ động “chiến đấu” trên những nơi đau thương nhất
Hơn 2 năm (2020-2022) diễn ra đại dịch Covid-19 toàn cầu, Cao Bằng là tỉnh biên giới nhưng lại là vùng xanh an toàn nhất cả nước chỉ có ca bị nhiễm dịch vào giai đoạn cuối đại dịch khi đã bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19. Có được kỳ tích này là do có bộ đội thường trực địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, công an phối hợp với ngành y tế làm “lá chắn” trên tuyến đầu gian nguy nhất để kiểm soát phòng, chống dịch và cách ly trên toàn tuyến biên giới, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho hàng ngàn người dân.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nguyên Bình và lực lượng dân quân tự vệ địa phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại xóm Lũng Lỳ, xã Yên Lạc (Nguyên Bình)
Siêu bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, trong đó, Cao Bằng thiệt hại thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Đặc biệt sạt lở đất bất ngờ (đêm ngày 8 rạng sáng 9-9-2024) tại xóm Lũng Súng (Yên Lạc), xóm Lũng Lỳ, Khuổi Ngọa (Ca Thành) và xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình đã làm nhiều người thiệt mạng, bị thương, nhà cửa bị sập… “Bà con bỗng chốc không còn nhà ở, không có thực phẩm để ăn, người thân bị tử nạn, bị thương phải đi cấp cứu, xóm bản tan hoang… Trong lúc chúng tôi chưa biết định hình sẽ thế nào thì đã thấy bộ đội nhanh chóng hành quân vượt đường rừng hiểm nguy mang thực phẩm đến cho bà con, thuốc men y tế đến sơ cứu, dựng nhà bạt cho bà con ở tạm, khiêng người bị thương đi cấp cứu…” - Chủ tịch UBND xã Yên Lạc Hoàng Tràn Mình xúc động nói.
Anh Đặng Văn Quế - nạn nhân trong vụ sạt lở đất kinh hoàng được bộ đội ứng cứu kịp thời, xúc động kể lại: “Nửa đêm mồng 8 rạng sáng 9-9, bất ngờ đất đá đổ ập xuống đánh sập nhà và cuốn theo mọi người trong gia đình tôi xuống sườn núi. Khi lực lượng dân quân, công an xã tìm thấy thì vợ tôi bị nặng nhất - gãy xương sườn, tôi bị gãy chân, các con đều bị thương không đi được. Vợ mặt tái dần đi trong đau đớn nếu không được cấp cứu nhanh sẽ tử vong… Khi đó, đường từ xã Yên Lạc ra bệnh viện huyện Nguyên Bình đã tê liệt vì nhiều đoạn bị lở đất quy mô lớn. Tình hình nguy gấp, mỗi phút trôi qua, vợ tôi mất đi cơ hội sống. Tưởng chừng không còn hy vọng nhưng các anh bộ đội Ban CHQS huyện Nguyên Bình, dân quân tự vệ xã đã đến kịp thời. Sau khi sơ cứu đã đưa vợ tôi lên cáng khiêng bộ vượt qua nhiều đoạn đường sạt lở trơn trượt bên vách núi để kết nối với đoàn cứu hộ của tỉnh đã kịp thời đưa vợ tôi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu… Công ơn các anh bộ đội vượt lên mọi gian nguy để cứu dân cao hơn núi. Tôi và dân bản mãi mãi biết ơn”.
Đoàn viên thanh niên 4 lực lượng và tổ chức đoàn thể xã Huy Giáp mở đường lên xóm Lũng Pèng
Chị H.T.L, huyện Bảo Lạc có con bị tử nạn trong vụ sạt lở đất kinh hoảng tại Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình) xúc động kể lại: Nhìn đất từ nửa quả núi sạt lở xuống lấp gần hết vực sâu, trong đó có 2 xe ôtô và mấy chục người…, tôi bàng hoàng suy sụp, chắc sẽ không có hy vọng tìm thấy thi thể con mình và nhiều nạn nhân khác đã bị vùi lấp dưới vực sâu... Nhưng chỉ trong mấy ngày làm nhiệm vụ không kể ngày đêm, dầm mình trong bùn đất, Bộ đội Bộ Tư lệnh Quân khu I, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Nguyên Bình và dân quân tự vệ xã đã dò tìm trong hàng ngàn tấn đất đá và hơn 20km dòng nước lũ chảy siết dưới vực núi để tìm các nạn nhân bàn giao lại cho các gia đình. Các anh bộ đội Cụ Hồ khi “ra trận” khó khăn nào cũng vượt qua. Tôi vô cùng cảm kích và biết ơn công lao của các anh!
Từ ngày 8 đến 14-9-2024, Cao Bằng có 7/9 huyện, thành phố bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Bộ CHQS tỉnh thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động trên 15.560 lượt người, 200 xe cơ giới cứu hộ, 2.250 áo phao, ứng cứu trên 3.000 hộ dân kịp thời và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; dựng 193 nhà bạt cho dân tránh trú; sửa chữa 60 nhà bị hư hỏng; hỗ trợ sơ tán, di dời tài sản trên 2.795 hộ dân. Song song đó, vận chuyển, phân bổ trên 500 tấn hàng nhu yếu phẩm, hơn 100 tấn gạo tiếp tế cho dân. Thành lập Tổ cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh tại Trung tâm y tế huyện Nguyên Bình để sơ cấp cứu kịp thời; phân bổ cấp phát 1.035kg hóa chất xử lý môi trường và 300 túi thuốc thiết yếu, 108 lọ xịt muỗi PlasmaKare 100ml cho bà con trong vùng thiệt hại.
Trung tá Lục Thuần Hóa, Phó Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Nguyên Bình chia sẻ: “Sáng sớm được tin bà con xóm Lũng Lỳ, xã Yên Lạc và xóm Lũng Súng, Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, xã Thể Dục (Nguyên Bình) đang gặp nạn do sạt lở đất, giao thông tê liệt, sinh mạng người dân chỉ tính từng giờ, từng phút, chúng tôi lập tức xây dựng kế hoạch, hành quân “thần tốc” đồng thời báo cáo ngay cấp trên để hỗ trợ tác chiến. Trước tình huống nguy gấp, đơn vị phối hợp với dân quân các xã, quyết định chia ra các ngả leo dốc núi dựng đứng hàng chục kilomet dưới trời mưa trợn trượt để đi tắt đến nơi… Dọc đường, anh em rất mệt, đói nhưng không ai nghĩ dừng nghỉ, quên cả ăn trưa, quyết tâm trong ngày 9-9 phải khiêng bà con đi cấp cứu kịp thời, tiếp tế nhu yếu phẩm, dựng nhà bạt cho bà con ở và tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân mất tích…”.
Đoàn viên thanh niên 4 lực lượng và tổ chức đoàn thể xã Huy Giáp mở đường lên xóm Lũng Pèng
Trong ngày 9-9, lực lượng vũ trang địa phương toàn tỉnh đã sớm tiếp cận gần 100 điểm bị thiệt hại do cơn bão số 3 tại 7 huyện, thành phố. Đặc biệt, các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình bị thiệt hại nặng nề nhất, giao thông tê liệt, Bộ CHQS tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng điều động máy bay trực thăng hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn khẩn trương làm nhiệm vụ ứng cứu tại những vùng thiên tai khó khăn nhất.
Giúp dân thoát nghèo, không để ai bỏ lại phía sau
Nhờ có các anh bộ đội Đồn biên phòng Lũng Nặm, Đoàn kinh tế quốc phòng (KTQP) 799 tặng bò, heo giống, giúp làm nhà mới, di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, làm đường cho xe máy lên xóm, khám chữa bệnh…, bà con đã biết cách làm ăn mới, thoát nghèo, từ bỏ không tin theo Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM)…
Anh H.V.T, dân tộc Mông (xóm Lũng Chẩn, xã Lũng Nặm, Hà Quảng), trước năm 2023 thuộc hộ nghèo, bị kẻ xấu lôi kéo theo TCBHPDVM, kể lại: “Những năm trước, 20 hộ dân tộc Mông trong xóm ở lẻ trên núi cao nên kẻ xấu lui tới lôi kéo bà con theo TCBHPDVM, xúi giục một số người trốn tránh, không hợp tác với cán bộ xã, bộ đội, công an... và bị chúng dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, ép buộc. Vì bị khống chế và biết đi theo TCBHPDVM là sai trái nhưng chúng tôi sợ không dám từ bỏ”.
Thượng tá Dương Đại Lợi, cán bộ Đồn biên phòng Lũng Nặm cũng là người dân tộc Mông đến bản giúp dân hái ngô, sửa chữa nhà dột nát… kể cho chúng tôi nghe về văn hóa tốt đẹp của người Mông trong lịch sử đấu tranh cách mạng… Bộ đội Lợi nói: “Cán bộ huyện, xã, tổ chức đoàn thể và bộ đội không bao giờ xa bà con, xóm bản nhà nào khó khăn, khi có việc gì sẽ được giúp đỡ. Không sợ kẻ xấu đe dọa nhà có việc không ai đến giúp!”.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng ra quân xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn cho bà con dân tộc Dao xóm Lũng Pèng, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc
Không chỉ có xóm Lũng Chẩn mà hàng trăm xóm, bản đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… vùng sâu, vùng xa biên giới đặc biệt khó khăn trên toàn tuyến biên giới được bộ đội đồn biên phòng, Ban CHQS các huyện, Đoàn KTQP 799 đã huy động hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn công lao động giúp dân, hỗ trợ trên 3.000 hộ thoát nghèo. Trong đó có hàng trăm hộ dân tộc Mông từ bỏ TCBHPDVM, cùng đoàn kết các dân tộc xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh…, không để ai bỏ lại phía sau.
Anh Đặng Chòi Phin, Trưởng xóm Lũng Pèng cảm động chia sẻ: “Nơi đâu khó khăn nhất có bộ đội đến giúp dân. Bà con dân tộc Dao chúng tôi vô cùng biết ơn và cảm kích. Vì đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bà con xóm Lũng Cắm, Lũng Pèng, xã Huy Giáp (Bảo Lạc) được đón lực lượng đảng viên trẻ, Đoàn thanh niên của Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn xây mới 11 ngôi nhà cho bà con trong vùng nguy cơ sạt lở đất, mở hàng chục kilomet đường giao thông vượt núi lên bản, tặng quà cho gia đình chính sách, trao học bổng cho học sinh nghèo, tổ chức buổi ngoại khóa chủ đề “Anh bộ đội Cụ Hồ” cho học Trường tiểu học Huy Giáp….
Dẫn chúng tôi đi xem con đường mới mở như cánh tay dài vươn lên sườn núi cao xóm Lũng Pèng…, anh Phin hào hứng nói: “Con đường mới mở này để trẻ em xuống núi đi học dễ dàng, không vì đường xa mà bỏ học, bà con đi xe máy chở gà, lợn xuống núi ra chợ bán…”.
Trực tiếp thi công tuyến đường lên núi Lũng Pèng, Binh nhất Hoàng Tòn Ên, Tiểu đội 9, Trung đội 9, Đại đội 3, Bộ CHQS tỉnh tự hào cho biết: Thi công tuyến đường Lũng Pèng rất gian nan vì núi cao, chuyển vật liệu, phá đá đều trên dốc đứng rất nguy hiểm. Nhưng tôi và tất cả đoàn viên đều cố gắng vì giúp dân là nhiệm vụ vinh dự của bộ đội Cụ Hồ.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo Trường tiểu học Huy Giáp (Bảo Lạc)
Ngày càng thêm nhiều công trình thanh niên 4 lực lượng như: “Tuyến đường thắm tình quân dân”, mô hình dân vận “Thắm tình quân dân”, “Nhà tình nghĩa”, đèn thắp sáng đường biên, xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng bước em đến trường, xây dựng nông thôn mới, công trình nước sạch, khám chữa bệnh miễn phí… cho đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách… Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết: Những năm qua, tại vùng đặc biệt khó khăn trên toàn tuyến biên giới, nơi đâu khó có tuổi trẻ 4 lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương huy động hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công để xây dựng hạ tầng cơ sở, nông thôn mới, chăm lo đời sống người dân. Xây dựng dải đất biên cương ổn định, gắn bó tình quân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thực hiện mục tiêu nhân văn của Đảng, Nhà nước ta “Không để ai bỏ lại phía sau”. Khí thế ra trận của thế hệ trẻ 4 lực lượng Cao Bằng đã tiếp bước thế hệ cha anh hằng mong muốn xây dựng quân đội vì nhân dân, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành đất nước hùng cường.
Từ năm 1999-2024, Đoàn KTQP 799 đầu tư cho xã biên giới đặc biệt khó khăn huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng gần 200 tỷ đồng, xây dựng trên 30 công trình đường giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt; 7 mô hình hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi trên 500 con trâu, bò, lợn sinh sản; mở 15 lớp tập huấn về kỹ thuật cho 1.700 người dân; hỗ trợ dân bảo vệ và phát triển 2.000 ha rừng vành đai biên giới, trồng 15 ha hồi, 90 cây quế, 30 ha sa mộc; hỗ trợ 40 tỷ đồng đầu tư 7 mô hình phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số. 174 trí thức trẻ tình nguyện giúp dân 2.000 ngày công, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 2.500 lượt người.
Trường Hà - Hoàng Hà - Minh Hòa