Nhiều dự án vướng pháp lý
Thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam hiện nay được các chuyên gia đánh giá là đã vượt qua khỏi vùng đáy khó khăn nhất. Trong đó, tại Tp.HCM, ghi nhận những tín hiệu phục hồi khi một số dự án được đưa ra thị trường và chào bán thu hút được khách hàng, nhà đầu tư.
Dự án Đức Long Golden Land (quận 7, Tp.HCM) "treo" nhiều năm vẫn chưa thể xử lý các giấy tờ thủ tục để triển khai.
Đầu tháng 11/2024, UBND Tp.HCM đã có báo cáo Bộ Xây dựng về thực hiện việc công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024. Số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành: 01 dự án được cấp phép; 37 dự án đang triển khai.
Dự án bất động sản đã hoàn thành, có 4 dự án, số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) 4 dự án. Lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng: 1.611 căn nhà đủ điều kiện được huy động vốn trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, sự phát triển thần tốc của thị trường bất động sản đã thu hút rất nhiều tiền của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên toàn quốc.
Điều này khiến hàng loạt dự án xuất hiện một cách nhanh chóng để bắt kịp độ nóng, nhu cầu của khác hàng và nhà đầu tư.
Vô hình trung, có rất nhiều dự án trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh lân cận chưa kịp chuẩn bị pháp lý, vướng pháp lý vô tình hay hữu ý đã khiến cho rất nhiều dự án phải "nằm chờ" nhiều năm chưa thấy lối ra.
Trong năm 2023, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) báo cáo, trên địa bàn Thành phố này có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý cần các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.
Bên trong dự án Đức Long Golden Land.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, các dự án được HoREA đưa ra bao gồm cả dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội, chủ yếu nằm trên địa bàn khu vực Tp.Thủ Đức; Huyện Bình Chánh; Bình Tân; Quận 7, Quận 8… Tp.HCM, đơn cử như dự án Shizen Home (quận 7); HighIntela (quận 8); Dragon Riverside (quận 5); Rome Diamond Lotus (quận 2); dự án Đức Long Golden Land..., "đắp chiếu" nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa thể xây dựng.
Theo HoREA, các dự án nhiều năm vẫn "đứng hình" vì vướng vào câu chuyện đóng tiền sử dụng đất, chưa thống nhất được phương án xác định giá đất, không có diện tích đất ở trong dự án...
Một số doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị cũng như mong muốn được đóng tiền sử dụng đất trước, hoặc được gỡ vướng một phần pháp lý, để dự án có thể khởi công xây dựng nhưng vướng nhiều thủ tục giấy tờ liên quan nên vẫn phải "nằm chờ".
Vẫn chờ thêm nhiều "cơ chế"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là pháp lý. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng và có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trần Anh nhận định: "Hiện nay, về vấn đề pháp lý dự án, Nhà nước đang giải quyết các vướng mắc nhưng tốc độ còn chậm do khung pháp lý hiện hữu chưa hoàn chỉnh, quy định còn chồng chéo.
Kỳ vọng trong quý IV/2024 và thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhanh các tồn đọng; đạt được sự thống nhất, đồng bộ giữa các bộ ngành. Các yếu tố như khung pháp luật, chiến lược phát triển ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực".
Dự án High Intela, nằm trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, Tp.HCM) nhiều năm chưa đóng được tiền sử dụng đất, mặc dù chủ đầu tư đã xây dựng xong phần móng của dự án.
"Từ năm 2024 cho đến khi các dự thảo luật sửa đổi liên quan bất động sản có hiệu lực, thị trường hướng đến sự minh bạch, là sân chơi của những doanh nghiệp uy tín, làm thật. Nhà nước thể hiện vai trò sâu rộng và tích cực hơn việc trong điều tiết, kiểm soát thị trường. Cơ cấu nguồn cung dịch chuyển sang hướng phục vụ nhu cầu ở thật, đầu tư chứ không đầu cơ, tạo điều kiện cho thị trường được cải thiện và phục hồi theo lộ trình", ông Thiện thông tin.
Trong nhiều năm qua, nhằm khơi thông thị trường bất động sản, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.
Chia sẻ với PV, đại diện doanh nghiệp có dự án Shizen Home trên địa bàn quận 7 (Tp.HCM) đang vướng mắc pháp lý cho rằng: "Dự án của chúng tôi trong năm 2023 cũng nằm trong diện xem xét và được lãnh đạo UBND Tp.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn tất bổ sung các giấy tờ hồ sơ, hỗ trợ doanh nghiệp sớm xử lý những vướng mắc để cho dự án tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa thể làm dự án trở lại do còn vướng mắc một số giấy tờ. Chúng tôi vẫn đang chờ "cơ chế" từ cơ quan chức năng".
Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát (cụm dự án trong ảnh) cũng là một trong những dự án gặp nhiều vướng mắc về pháp lý và được UBND Tp.HCM "giải cứu".
Ông Hà Văn Thiện chia sẻ: "Hiện nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phát triển xây dựng dự án. Giả sử một dự án nếu có 40% vốn vay ngân hàng mà dự án bị đình trệ trong nhiều năm do pháp lý, sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Chính vì vậy, những cơ chế về chính sách pháp lý, khơi thông những vướng mắc từ cơ quan chức năng là điều cần thiết. Hy vọng, trong thời gian tới, các dự án bất động sản không chỉ ở Tp.HCM mà các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai sẽ sớm được cơ quan chức năng gỡ pháp lý để khơi thông thị trường bất động sản trở lại".
Đón đọc >>> Lối thoát cho dự án BĐS vướng pháp lý - Bài 2: Dự án nào sẽ được "giải cứu"?