Lợi và hại khi trường siết học sinh dùng điện thoại

Lợi và hại khi trường siết học sinh dùng điện thoại
3 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS Huy Văn (Hà Nội) trong giờ ra chơi
Bài 1: Một ngày đến trường không điện thoạiXa điện thoại, có giờ ra chơi đúng nghĩa
Ghi nhận mới đây của phóng viên Báo PNVN tại trường THCS Huy Văn (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ ra chơi cho thấy, sân trường náo nhiệt bởi các trò chơi, hoạt động thể chất của học sinh. Nhóm học sinh nam chơi đá bóng, bóng rổ trong khi các bạn nữ chơi cầu lông, đá cầu. Có nhóm túm tụm trêu đùa nhau hoặc ngồi đọc truyện, cười nói rôm rả.
Trêu đùa, chạy nhảy cùng các bạn ở sân trường, Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 8D, Trường THCS Huy Văn, cho biết, trước đây, khi nhà trường chưa cấm học sinh mang điện thoại đến trường, sân trường giờ ra chơi khá yên ắng.
"Thời gian đó, đa số các bạn ngồi trong lớp xem điện thoại. Các bạn nam thì chơi game còn các bạn nữ thì lướt mạng xã hội. Chỉ có một vài bạn tương tác với nhau, còn lại đều dán mắt vào màn hình điện thoại. Cũng vì có điện thoại thông minh nên nhiều bạn không có nhu cầu nói chuyện, chia sẻ với nhau, bạn cùng lớp nhưng lại khá xa cách", Khánh Vy cho biết.
Từ ngày nhà trường cấm học sinh mang điện thoại đến trường, các em đã có giờ ra chơi đúng nghĩa. "Trước đây, điện thoại là cả thế giới của chúng em. Còn bây giờ, vào giờ ra chơi, chúng em rủ nhau xuống sân trường chạy nhảy, đùa nghịch. Chúng em học tập trung hơn. Việc học ở trên lớp vì thế cũng hiệu quả hơn", Khánh Vy chia sẻ.
Với Vũ Đoàn Minh Kiệt, một học sinh lớp 8 khác của Trường THCS Huy Văn, chiếc điện thoại thông minh từng là "vật bất ly thân" của cậu khi ở nhà cũng như ở trường. Giống như các bạn nam trong lớp, Minh Kiệt thích chơi game.
Trước đây, vào giờ ra chơi, em thường ngồi lì trong lớp, mê mải với các trò chơi trực tuyến. Thế nên, khi có quy định cấm mang điện thoại đến trường, Minh Kiệt và nhiều bạn cảm thấy… sốc.
"Mấy ngày đầu đến trường không có điện thoại cầm theo, em cảm thấy rất bí bách, tay như thừa thãi vì không có việc gì để làm. Thế nhưng sau mấy hôm, chúng em đã rủ nhau xuống sân trường chơi cầu lông, bóng đá, bóng rổ, đá cầu...
Chúng em giao tiếp với nhau nhiều hơn. Giờ ra chơi bây giờ đúng nghĩa là ra chơi và khi vào giờ học, em không còn thấy uể oải, mệt mỏi như trước", Minh Kiệt nói.
Học sinh Trường THCS Huy Văn (Hà Nội) trong giờ ra chơi
Tăng sự tương tác của học sinh
Khẳng định việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường là chủ trương đúng, mang lại lợi ích lớn cho học sinh cũng như nhà trường, cô giáo Bùi Thị Lan Hương (Trường THCS Huy Văn) cho biết: "Trước đây, khi các con được mang điện thoại đến lớp, trong các tiết học, nhiều con lén cô giáo sử dụng điện thoại, dẫn đến không tập trung nghe giảng.
Cô phải nhắc nhở học sinh, làm gián đoạn giờ học. Từ ngày nhà trường có quy định cấm học sinh mang điện thoại đến trường, những vấn đề này đã được giải quyết. Các con tương tác với nhau nhiều hơn trong lớp học, trong giờ ra chơi cũng như các hoạt động tập thể khác của nhà trường tổ chức".
Việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường được Trường THCS Huy Văn thực hiện từ cuối học kỳ 1 năm học 2023-2024, trước thời điểm Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội có văn bản về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.
Thầy Lê Hoài Quân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huy Văn, cho biết, trước việc học sinh bị phân tán quá nhiều vào điện thoại, trong cuộc họp cuối học kỳ 1 năm ngoái, Ban giám hiệu nhà trường đã xin ý kiến của trưởng ban phụ huynh các khối và nhận được sự đồng tình, ủng hộ.
Trong quá trình triển khai đến các lớp, nhà trường cũng nhận được một số thắc mắc của phụ huynh như: Nhà xa, phụ huynh muốn con dùng điện thoại để liên lạc đưa đón con. Nhà trường đã đưa ra 2 phương án.
Thứ nhất, nhà trường lắp điện thoại cố định tại phòng bảo vệ và công khai số điện thoại đó. Học sinh có thể gọi điện cho bố mẹ qua điện thoại cố định. Thứ hai, con có thể mang theo điện thoại có chức năng nghe - gọi (không phải điện thoại thông minh) nhưng phải có sự cam kết giữa phụ huynh và nhà trường.
Năm học này là năm thứ hai Trường THCS Huy Văn thực hiện quy định cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Theo thầy Lê Hoài Quân, hiệu quả thể hiện rõ nhất là trong giờ học, giáo viên không phải nhắc nhở học sinh bị mất tập trung.
Khi không sử dụng điện thoại, các em kết nối trực tiếp với nhau. Để tạo thêm các hoạt động cho học sinh trong giờ ra chơi, nhà trường đã tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao như cầu lông, bóng rổ hoặc tập dân vũ.
Bài sau: "Chúng tôi ủng hộ nhưng…"
Nhóm PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loi-va-hai-khi-truong-siet-hoc-sinh-dung-dien-thoai-20241108163038896.htm