Tại các nơi thờ tự, không khí lễ hội hòa quyện cùng sự thành kính chiêm bái tạo nên một bức tranh ấm áp, đậm đà bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Từ nhiều ngày trước, các ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh đều tất bật chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Khắp khuôn viên chùa được đầu tư trang trí, chăm chút tỉ mỉ thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật và lòng mộ đạo của cộng đồng.
Phật tử đến dự Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 tại chùa Thiên Châu (TP.Tân An)
Tại chùa Thiên Châu (TP.Tân An), từ 7 giờ ngày 12/5, tức ngày 15/4 Âm lịch, từng dòng người thành kính đổ về dự Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 - Phật lịch 2569 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức. Các tăng, ni và phật tử đồng lòng tụng kinh, niệm Phật, thực hiện các nghi thức truyền thống mang đậm dấu ấn tâm linh. Dịp lễ cũng là thời khắc để mỗi người suy ngẫm về những lời dạy từ bi và trí tuệ của Đức Phật, từ đó nuôi dưỡng đời sống hướng thiện, an nhiên.
Chị Hồ Mộng Thùy Hương (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi và nhóm bạn đều là phật tử, nên mỗi khi có dịp chúng tôi thường rủ nhau đến chùa lễ Phật, tụng kinh và chiêm bái. Đó không chỉ là cách để nuôi dưỡng đời sống tinh thần mà còn giúp chúng tôi tìm được sự bình an trong tâm hồn”. Vài ngày trước, chị đã cùng bạn bè đến chiêm bái xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức để cảm nhận được lòng từ bi và tinh thần dấn thân vì đạo pháp, vì dân tộc của Ngài.
Người dân tham gia lễ tắm Phật để thanh lọc thân tâm tại chùa Ân Thọ (TP.Tân An)
Đến tối cùng ngày, đông đảo người dân đến dự Đại lễ tại chùa Ân Thọ (TP.Tân An) với thái độ nghiêm túc, hòa nhã. Nhiều người dân tham gia lễ tắm Phật để thanh lọc thân tâm trong ngày Phật đản. Trong không khí trang nghiêm, từng người lần lượt tiến đến trước bàn lễ, dùng gáo múc nước thanh tịnh, nhẹ nhàng rưới lên tượng Phật sơ sinh. Nghi lễ này thể hiện lòng tôn kính sâu sắc, giúp rửa sạch phiền não, nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần hướng thiện trong mỗi con người.
Chị Trần Thị Ngọc Mai (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Dù không phải là phật tử nhưng tôi thường xuyên đến chùa để lòng được thanh thản và cầu chúc những điều tốt đẹp đến với gia đình. Tôi cảm nhận rằng năm nay các chùa tổ chức lễ Phật Đản rất quy mô, trang trọng và chu đáo”.
Lễ Phật Đản là dịp để mọi người hướng về cội nguồn tâm linh, sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn. Năm nay, dù thời tiết có phần khắc nghiệt nhưng đông đảo người dân đều hân hoan đón mừng đại lễ, tham gia các sự kiện do các chùa tổ chức.
Là phật tử phụ trách ban trà nước tại chùa Ân Thọ, chị Huỳnh Ngọc Thủy (phường 3, TP.Tân An) cảm thấy rất vui vì giúp các phật tử và khách thập phương có trải nghiệm trọn vẹn khi đến chùa. Chị Thủy xúc động nói: “Tôi hy vọng mùa Phật Đản năm nay sẽ lan tỏa năng lượng tích cực, mang lại sự an lạc và thanh tịnh trong tâm hồn cho tất cả chúng sinh”.
Nhiều nơi tổ chức phát cơm từ thiện nhân Đại lễ Phật Đản
Phật Đản còn là một lễ hội văn hóa tâm linh quan trọng của dân tộc. Dịp này, nhiều nơi còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện, phát cơm chay miễn phí, tặng quà cho người nghèo,… lan tỏa tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật đến với cộng đồng. Đại lễ Phật Đản 2025 khép lại trong sự hoan hỷ và an lành, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người tham dự về một mùa Phật Đản ý nghĩa, trọn vẹn niềm tin và hy vọng.
Hoàng Lan - Ngọc Hân