Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND hai tỉnh Long An và Tây Ninh. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Ngày 13/5, Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc để trao đổi, thống nhất một số nội dung, chỉ tiêu phục vụ Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh sau sáp nhập.
Cuộc họp diễn ra tại thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An) với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành của hai tỉnh Long An và Tây Ninh.
Đây được xem là buổi làm việc chính thức đầu tiên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An và Tây Ninh nhằm trao đổi, thống nhất các định hướng phát triển cho tỉnh mới sau khi sáp nhập.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài chính Long An và Tây Ninh đã trình bày tổng quan về quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 của hai địa phương; báo cáo tóm tắt một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các công trình trọng điểm, chương trình đột phá trình Đại hội Đảng bộ tỉnh sau hợp nhất.
Đại diện các sở, ngành của hai địa phương đã nêu ý kiến trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thời gian tới, sau khi Long An và Tây Ninh sáp nhập thành một tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, 2 địa phương khác nhau về quy hoạch vùng (Long An thuộc quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh thuộc quy hoạch vùng Đông Nam Bộ) song lại có nhiều nét tương đồng.
Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của hai địa phương tương đối giống nhau với tỷ lệ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Một số kết quả về kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ qua đạt được cũng cơ bản giống nhau.
Sau khi trao đổi, hai địa phương đã thống nhất một số chỉ tiêu phục vụ Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh sau hợp nhất như tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2025-2030 đạt 10%; thu ngân sách nhà nước tăng 50% so với đầu nhiệm kỳ; đến cuối nhiệm kỳ không còn hộ nghèo đa chiều theo chuẩn của Trung ương...
Về các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, trước mắt thống nhất đưa vào Báo cáo chính trị công trình Trục động lực kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (ĐT.827E); Trục giao thông kết nối thành phố Tân An - cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Trục động lực kết nối trung tâm của tỉnh Tây Ninh và Long An (hiện nay) và công trình bảo tàng - thư viện tỉnh.
Trong đó, ưu tiên thực hiện tuyến giao thông động lực kết nối trung tâm của Long An và Tây Ninh nhằm tạo điều kiện để phát triển đô thị, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ dọc theo hai bên tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Út cũng yêu cầu các sở, ngành của hai địa phương tiếp tục trao đổi, thống nhất để đưa thêm một số công trình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (hiện nay) vào Danh mục công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ mới; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tiếp thu các ý kiến đã thống nhất trong phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu phục vụ báo cáo chính trình trình Đại hội Đảng bộ tỉnh mới sau sáp nhập.
Theo dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy Long An, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Long An ước có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.
Trong đó, GRDP bình quân đầu người ước đạt 118,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước đạt 12%; sản lượng lúa bình quân đạt trên 3 triệu tấn; trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 75%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; hộ nông dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 77%...
Riêng về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này của Long An ước đạt 6,55 %, thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng 9,2-10% nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh Long An là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19 và tác động của tình hình kinh tế-chính trị thế giới.
Quy mô kinh tế đến năm 2025 của Long An ước đạt gần 210.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2020 và dự kiến đứng thứ 13 cả nước, dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến có 15/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; trong đó, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 ước đạt 4.632 USD/người/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 10,6%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 7,4%/năm, chiếm 36,3% so với GRDP theo giá hiện hành…
Đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, dù không đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng nhiệm kỳ 2020-2025, tăng trưởng GRDP bình quân của Tây Ninh ước đạt 7%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước; quy mô nền kinh tế năm 2025 ước đạt gần 140.000 tỷ đồng, tăng trên 60% so với năm 2020.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh tập trung tổ chức triển khai, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị, các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác tổ chức đại hội.
Trong tổ chức thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh…
Các tổ chức Đảng nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên.
Công tác nhân sự phải bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn cấp trên; coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp xã) từ 10% trở lên, cán bộ có trình độ khoa học và công nghệ khoảng 5%.
Cấp ủy khóa mới phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống; có năng lực lãnh đạo, tầm nhìn, tư duy đổi mới, uy tín, thực sự là trung tâm đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình; xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối trước, trong và sau đại hội; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyết, Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 30/6/2025; Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và Đảng bộ xã, phường (sau hợp nhất, thành lập mới) hoàn thành trước ngày 31/8/2025; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 hoàn thành trước ngày 31/10/2025./.
(TTXVN/Vietnam+)