Lòng đường ngăn nắp, vỉa hè thông thoáng

Lòng đường ngăn nắp, vỉa hè thông thoáng
6 giờ trướcBài gốc
Tại quận Gò Vấp, TP HCM lúc 7 giờ 30 phút sáng 15-1, phóng viên Báo Người Lao Động hòa vào dòng xe trên đường Phan Văn Trị. Khi cách giao lộ Nguyễn Oanh chừng 100 m thì đèn tín hiệu giao thông chuyển màu đỏ.
Quy củ
Thời điểm đó, hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng dài. Một dải đường sát lề bên phải rộng chừng 1 m tự động mở ra cho tài xế xe máy có nhu cầu rẽ phải theo chỉ dẫn hướng lên cầu vượt. Các phương tiện còn lại dừng đúng vạch và phần vỉa hè không còn hiện tượng leo lề như khoảng thời gian cuối năm 2024 về trước.
Trong lúc chờ đợi, nữ tài xế tên Ngọc Anh kể mình làm việc tại quận 3. Trước đây, mỗi lần qua giao lộ này chị phải chật vật ứng phó với việc luồn lách, nhất là xe máy bất thần tạt đầu tìm hướng lên vỉa hè. "Có khi 2, 3 xe máy chạy vượt nhau ở nơi dành cho người đi bộ, nhìn ngán lắm. Nhưng giờ thì hết rồi, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, mọi thứ quy củ hơn" - chị Ngọc Anh nhận xét.
Ghi nhận cho thấy việc chấp hành quy định về giao thông xuất hiện nhiều nơi trong thành phố. Tại điểm giao Võ Văn Ngân - Đường số 6 hay Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), dù mật độ xe đông nhưng vắng hẳn tiếng bấm còi inh ỏi cùng hành vi lấn làn, nhiều đoạn vỉa hè thông thoáng hẳn. Điều tương tự cũng diễn ra khu vực trung tâm TP HCM với nút giao Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đường Võ Thị Sáu (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần (quận 3)…
Ông Đỗ Minh Hải, sống trên đường Võ Văn Tần, kể trước đây vỉa hè trước nhà ông hư hỏng do xe máy leo lề. Nhiều lần cơ quan chức năng phải sửa chữa, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. "Từ khi có nghị định mới, các tài xế đã ý thức hơn, vỉa hè trở nên an toàn cho người đi bộ" - ông Hải cảm nhận.
Tuân thủ nghiêm việc dừng đỗ là hình ảnh thường thấy tại TP HCM những ngày gần đây. Ảnh: NGỌC QUÝ
Nhiều giải pháp đồng hành
Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, kể từ ngày 1-1-2025, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm như không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông hay lưu thông trên vỉa hè tăng cao. Lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm giúp giảm đáng kể tình trạng mất an toàn giao thông.
Nói về việc giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm đi lại an toàn cho người dân, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết sở khẩn trương triển khai nhiều giải pháp. Đến ngày 15-1, hơn 180 tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ được lắp và công tác này còn tiếp tục. Đơn vị cũng phối hợp CSGT điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu, ưu tiên tăng thời gian đèn xanh phù hợp với lưu lượng xe tại những giao lộ chính và dịp Tết Nguyên đán này công tác phân luồng giao thông tại những tuyến cửa ngõ, lễ hội xuân và đầu mối giao thông trọng điểm được thường xuyên chú trọng.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, xác nhận công an triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đáng chú ý, có 6 nhóm phản ứng nhanh tại trung tâm TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Đông Bắc, Đông Nam thành phố sẵn sàng giải quyết mọi tình huống. CSGT cũng sẽ sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị kỹ thuật để nhanh chóng cử cán bộ phản ứng kịp thời, điều tiết giao thông.
Vỉa hè đường Nguyễn Văn Bá (TP Thủ Đức) thông thoáng cả lúc bình thường lẫn giờ cao điểm. Ảnh: NGỌC QUÝ
Giảm 3 tiêu chí, nâng cao nhận thức
Tại đô thị lớn khác là TP Hà Nội, nhận định về nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ùn tắc giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, chỉ ra hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch trong khi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo ông Bảo, mật độ dân cư tập trung vào khu vực trong nội thành cao đồng nghĩa với lưu lượng phương tiện cá nhân tăng, nhất là khung giờ cao điểm.
Một nguyên nhân nữa đến từ bất cập về tổ chức giao thông. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho hay trước mắt, cùng với xử nghiêm hành vi vi phạm dẫn tới ùn tắc, lực lượng CSGT được huy động tối đa để điều tiết giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa bàn khảo sát thực tế, phát hiện bất cập về tổ chức giao thông nhằm có cơ sở kiến nghị khắc phục.
Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an thông tin sau 2 tuần thực hiện Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. So với thời gian trước liền kề, số bị xử phạt giảm 22.786 trường hợp. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ cũng như thời gian trước liền kề.
Cụ thể, trong 2 tuần đầu năm 2025, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết và 453 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết
(-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%). So với trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).
"Nghị định 168 tăng mức xử phạt nhiều hành vi đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông" - đại diện Cục CSGT đánh giá. Cũng theo vị đại diện, cơ quan chức năng cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đều xác định, mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.
"Xe dù, bến cóc" giảm hẳn
Từ đầu năm 2025, tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy trên Quốc lộ 1, đoạn qua TP HCM, tình trạng các nhà xe đón, trả khách sai quy định đã giảm đáng kể.
Ở TP Thủ Đức, đoạn trước Khu Chế xuất Linh Trung có biển báo "cấm dừng, cấm đỗ" từ 6-20 giờ. Trước đây mỗi ngày hàng trăm xe khách giường nằm hoạt động bát nháo, ngang nhiên đón khách, lấn chiếm đường, biến nơi đây thành bến "lậu" thì nay không còn.
Chị Nguyễn Thu Dung (28 tuổi, công nhân Khu Chế xuất Linh Trung) kể từng có nhiều thời điểm tan tầm, hàng ngàn công nhân di chuyển cộng với việc xe khách chắn hết đường nên rất vất vả luồn lách giữa các xe khách mới đi được. "Bây giờ đường thoáng, làn xe máy đã không còn bị ô tô khách lấn nữa, tôi rất thoải mái" - chị Dung nói.
Cũng ở TP Thủ Đức, đoạn Quốc lộ 13 qua phường Hiệp Bình Chánh hay Quốc lộ 1 qua phường Tam Bình, Hiệp Bình Phước, tình trạng "xe dù, bến cóc" giảm đáng kể. Còn trên địa bàn quận Bình Tân, bãi xe 39 nằm ngay nút giao Quốc lộ 1 - đường M1 - đường số 7, phường Bình Hưng Hòa nhiều năm nay được tổ chức đón trả khách như một bến xe khách thực thụ. Qua phản ánh của báo chí và công tác nắm tình hình ở địa phương, mới đây, cơ quan chức năng đã yêu cầu các xe trong bãi ra ngoài, đồng thời rào chắn lại lối ra vào bãi và cử người chốt trực.
Quốc lộ 1 đoạn trước Khu Chế xuất Linh Trung. Ảnh: ANH VŨ
Đoạn Quốc lộ 1 dưới chân cầu vượt Gò Mây, phường Bình Hưng Hòa B từng là "điểm nóng" khi xe khách giường nằm đón trả khách sai quy định nhưng nay cũng giảm đáng kể...
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/long-duong-ngan-nap-via-he-thong-thoang-196250115210608604.htm