Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định liên quan đã giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (trước khi sáp nhập) hướng dẫn 5 nội dung về lĩnh vực giao thông vận tải và 4 nội dung về lĩnh vực xây dựng. Đến nay, các nội dung này đều đã được hoàn thành, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác môi trường lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, công tác kiểm tra, kiểm định, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được triển khai tích cực. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải đã được cụ thể hóa tại nhiều văn bản. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ liên quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong việc triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh…
Về quản lý thoát và xử lý nước thải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến tháng 12/2024, trên toàn quốc có 83 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế là 2,064 triệu m3/ngày, công suất thực tế khoảng 1,1 triệu m3/ngày. Một số đô thị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng chưa đạt công suất thiết kế...
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho biết, nguồn kinh phí bảo vệ môi trường còn thấp so với nhiệm vụ được giao; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường còn thiếu và yếu. Tổng lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tồn đọng khoảng 47,2 triệu tấn; lượng thạch cao phát sinh từ các nhà máy phân bón, hóa chất lên tới 16,37 triệu tấn. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện vẫn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong xử lý, sử dụng các loại chất thải này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN
Theo ông Tạ Đình Thi, về hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, tỷ lệ nước thải được xử lý đạt chuẩn hiện mới khoảng 18%. Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi nhiều dự án chậm tiến độ, tỷ lệ đấu nối tới hộ dân còn thấp, mạng lưới thu gom chưa đồng bộ. Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ, đồng thời kiến nghị xây dựng chương trình đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị từ loại V trở lên.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết sẽ bổ sung đầy đủ trong báo cáo để đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Bộ Xây dựng đã ban hành cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn liên quan đến xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp; đồng thời khẳng định, đây là việc chung, tới đây Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện, cố gắng hoàn thành trước khi Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội chuyên đề giám sát này.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ Xây dựng phải nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và gánh vác đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải. Trong đó, phải coi việc hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là cái gốc của mọi vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, từ thực tiễn quản lý của mình, đề nghị Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, vấn đề định lượng, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải. Có giải pháp quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện đang là một thách thức môi trường quốc gia.
Bộ Xây dựng phải đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực xã hội vào các công trình hạ tầng môi trường như nhà máy xử lý nước thải, khu tái chế chất thải rắn sinh hoạt; hình thành tư duy đột phá về các công cụ kinh tế và xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi số để tối ưu hóa trong vận hành, giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời, chủ động trong công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật môi trường tại các công trường xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải; phối hợp với Thanh tra Chính phủ xử lý thật nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm về bụi, tiếng ồn, quản lý chất thải để tạo sức răn đe; chủ động nắm bắt, hướng dẫn, tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong thực thi chính sách tại địa phương…
Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn, ý kiến của các thành viên Đoàn tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ, hoàn thiện thông tin, số liệu, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường và những kiến nghị cụ thể mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Báo cáo bổ sung gửi đến Đoàn giám sát trước ngày 2/8/2025, trong đó lưu ý thể hiện rõ ràng, cụ thể các kiến nghị về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường với nội dung điều, khoản, điểm cụ thể cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Tin, ảnh: Đỗ Bình (TTXVN)