Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, những biểu hiện xuống cấp của văn hóa học đường đang là mối lo ngại, trở thành vấn đề nóng của xã hội.
Bên cạnh đại đa số học sinh có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh ứng xử thiếu văn hóa như nói tục, chửi bậy, thô lỗ, cục cằn; kết bè phái, gây gổ, đánh nhau... Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà ở cả học sinh nữ, gây hậu quả đáng tiếc và tác động xấu đến môi trường giáo dục.
Một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, thiếu trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân nên chây lười trong học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, các trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội.
Có bộ phận học sinh hiện nay tâm sinh lý phát triển sớm, quan niệm tình yêu gắn liền với tình dục đã để lại những hậu quả khó lường.
Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng” gắn với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Văn hóa học đường giúp xây dựng môi trường học tập tiến bộ.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành các kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng về vai trò của việc tư vấn tâm lý cho học sinh.
Đó là các Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục kỹ năng sống, triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý; biên soạn, phê duyệt và phát hành miễn phí Tài liệu về công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông.
Các địa phương cũng ban hành các văn bản triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; hướng dẫn học sinh, giáo viên tích cực tham gia Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đến nay, 100% Sở GD-ĐT đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học. Các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh được lồng ghép trong chương trình môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Các nhà trường quan tâm giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh; chú trọng vào việc thực hành, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Đến nay công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn thế hệ trẻ trong nhà trường có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, có sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập.