Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại
3 giờ trướcBài gốc
Bài 2 - Ngược dòng tìm nguồn... rác
Để thực hiện loạt bài viết này, liên tục trong thời gian dài chúng tôi theo nhiều chuyến "tàu chợ”; đến những cửa sông, cửa suối, nương đồi, khu sản xuất để tìm nguồn phát sinh rác thải nguy hại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình.
Người dân thu gom rác thải tại Suối Tấc, huyện Phù Yên (Sơn La) - một trong những phụ lưu chảy vào lòng hồ Hòa Bình.
Rác từ nương, đồi
Sau nhiều chuyến thuyền ngược xuôi lòng hồ Hòa Bình, chúng tôi chọn cách lên bờ, đi sâu vào các khu sản xuất, nương đồi. Trong quá trình tìm hiểu, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến đều ghi nhận một thực tế: bên cạnh một bộ phận người dân có ý thức giữ gìn môi trường, chủ động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vào những nơi, điểm quy định để chờ xử lý thì vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Theo đồng chí Lê Đức Lợi, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên (Sơn La), huyện Bắc Yên có 6/16 xã, thị trấn thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình, gồm: Chiềng Sại, Bắc Ngà, Tạ Khoa, Mường Khoa, Chim Vàng, Sông Be. Đây là những xã có diện tích sản xuất nông nghiệp (SXNN) lớn, trong đó, các xã: Mường Khoa, Chiềng Sại, Tạ Khoa được coi là vựa ngô của huyện. Ngoài cây ngô, hiện các xã chuyển sang trồng một số loại như sắn, chuối và cây lâm nghiệp. "Do địa bàn huyện có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, đất sản xuất ít, độ dốc cao. Hầu hết các xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình xa trung tâm huyện, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Mặc dù cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có việc không vứt bỏ vỏ bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa tuân thủ nghiêm túc, còn tình trạng vứt vỏ bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng ra môi trường xung quanh”, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên Lê Đức Lợi cho biết.
Tại huyện Phù Yên (Sơn La), đồng chí Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Toàn huyện có trên 14 nghìn ha đất nông nghiệp. Trong đó, 7 xã khu vực lòng hồ Hòa Bình là những địa phương có diện tích đất SXNN lớn của huyện. Trước đây, các xã chủ yếu trồng ngô. Với diện tích sản xuất lớn không thể tránh khỏi việc sử dụng thuốc BVTV với số lượng lớn, cũng không thể tránh được còn một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng thuốc BVTV, thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV nên còn tình trạng vứt ra môi trường xung quanh. Sau mỗi trận mưa, số rác thải nguy hại này từ các nương đồi theo khe suối, khe sông đổ về lòng hồ Hòa Bình.
Điều này cũng được đồng chí Lường Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (Đà Bắc) thẳng thắn chỉ rõ: Mặc dù địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc thu gom, không vứt rác thải là bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng ra môi trường. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thì vỏ bao gói tiện đâu vứt đấy, nhất là ở những khu sản xuất xa điểm dân cư. Số rác thải nguy hại này sau đó sẽ trôi về lòng hồ Hòa Bình...
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ chỉ rõ: Lòng hồ Hòa Bình là khu vực sinh sống của hàng chục nghìn hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số), diện tích đất SXNN lớn. Tuy nhiên, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, trình độ canh tác thấp, điều kiện sản xuất khó khăn, khu vực sản xuất có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, thường xuyên chịu tác động của thời tiết (mưa lũ, sạt lở đất, rửa trôi...). Do vậy, trong quá trình SXNN có sử dụng một lượng thuốc BVTV lớn là điều dễ hiểu. Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan và việc vứt bỏ rác thải là vỏ bao gói thuốc BVTV không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đến hệ sinh thái lòng hồ, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước lòng hồ.
Rác từ hoạt động sinh kế
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội: Hiện nay, vấn đề môi trường khu vực lòng hồ Hòa Bình cơ bản được đảm bảo. Chất lượng nguồn nước tại hồ Hòa Bình được đánh giá là sạch nhất so với các dòng sông khác tại khu vực phía Bắc cũng như trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, lòng hồ Hòa Bình đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Những vấn đề này đến và gia tăng từ nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, yếu tố chủ quan do tác động xã hội, con người đang được xem là một trong những thách thức, mối đe dọa chính.
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà lòng hồ Hòa Bình đang phải đối mặt là tình trạng xả thải trái phép từ một số nhà máy và khu dân cư ở các khu vực xung quanh. Theo rà soát, mỗi năm có khoảng 300 nghìn tấn chất thải rắn và 150 nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý đổ vào lòng hồ. Các hoạt động xây dựng trái phép, chăn nuôi và canh tác nông nghiệp trong vùng bảo vệ đã làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Điều này làm cho nhiều khu vực xung quanh hồ bị biến đổi không còn phù hợp với mục đích bảo vệ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và chất lượng nước hồ.
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, đối với tỉnh Sơn La, các mối đe dọa về môi trường đến lòng hồ Hòa Bình đó là những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội kéo theo nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, làm gia tăng áp lực đối với nguồn nước hồ Hòa Bình. Mặt khác, ô nhiễm cũng bắt nguồn từ nước thải đô thị, nước thải công nghiệp, trong hoạt động SXNN như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trôi theo nước mưa và các dòng nước cũng là những tác nhân tác động trực tiếp đến nguồn nước lòng hồ Hòa Bình.
Ngoài ra, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ thời gian qua đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ nguồn nước lòng hồ Hòa Bình. Theo thống kê, hàng năm hồ Hòa Bình đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch. Trong quá trình tham quan, vui chơi, nhiều du khách xả rác trực tiếp xuống hồ; các phương tiện vận tải thủy trên lòng hồ Hòa Bình đa số sử dụng động cơ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường; hoạt động kinh doanh nhà hàng và dịch vụ du lịch khác quanh hồ và hàng trăm điểm dân cư sống ven hồ với các hoạt động sản xuất, sinh kế, sinh hoạt cũng thải ra một lượng lớn rác thải chưa qua xử lý. Trong đó có một phần không nhỏ là rác thải nhựa làm gia tăng áp lực đến nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh khu vực lòng hồ Hòa Bình.
(Còn nữa)
Mạnh Hùng
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/220/194729/long-ho-hoa-binh-truoc-nguy-co-o-nhiem-tu-rac-thai-nhua,-rac-thai-nguy-hai.htm