Lòng nhân của người đất Phú

Lòng nhân của người đất Phú
5 giờ trướcBài gốc
Chị Võ Thị Sương (thứ hai từ phải sang) cùng con gái Nguyễn Võ Anh Tú và gia đình Trần Phúc Tân - một trong hai người được ghép giác mạc do Nguyễn Võ Anh Tuấn hiến tặng. Sau khi ca phẫu thuật ghép giác mạc thành công, các gia đình đã kết tình thân, chị Sương xem vợ chồng Tân như con mình. Ảnh: Do gia đình cung cấp
Mở được lòng mình, giúp ích cho cộng đồng, đem lại những bài học và giá trị sống tốt đẹp, thật đáng quý biết bao.
Đau thắt lòng vẫn nghĩ đến người khác
Tại TP Tuy Hòa, nữ CCB Lê Thị Kim Thắng đã khởi xướng và cùng đồng đội làm đám giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên mỗi năm hai lần, vào ngày 27/7 và 22/12. Đó là thông tin từ bài viết của tác giả Nguyễn Bá Thuyết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 21/10/2022.
Từ chuyện bà Thắng và nhóm nữ CCB làm đám giỗ cho liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 2002, năm 2010, tỉnh Phú Yên giao cho Hội CCB tỉnh đứng ra tổ chức lễ giỗ cho các anh hùng liệt sĩ mỗi năm hai lần. Cách người Phú Yên bày tỏ sự tri ân như các CCB thật chân tình, quý giá.
Người Phú Yên cũng thể hiện lòng nhân một cách sâu sắc, điển hình như những tấm gương trong cuộc thi “Lòng tốt quanh ta” của Báo Người Lao Động, được các tác giả Phú Yên chuyển tải đến bạn đọc và tạo hiệu ứng tốt đẹp.
Trong bài viết “Món quà vô giá của chàng trai ra đi ở tuổi 22”, tác giả Yên Lan cho biết, là giáo viên mầm non ở TP Tuy Hòa, chị Võ Thị Sương tảo tần nuôi hai con. Không may người con trai lớn Nguyễn Võ Anh Tuấn mắc bệnh hiểm nghèo, từ năm 11 tuổi đã gắn chặt với giường bệnh bởi chứng bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne.
Đây là một bệnh lý thần kinh cơ di truyền, chủ yếu xảy ra ở bé trai, dấu hiệu đầu tiên là yếu cơ ở gốc chi, sau đó bệnh tiến triển nặng dần đến các cơ xa gốc chi, cơ hô hấp... Đến một lúc nào đó, bệnh nhi sẽ không đi lại được, cơ trơn lẫn cơ tim đều bị ảnh hưởng, người bệnh thường chết vì suy hô hấp hoặc bệnh cơ tim trong độ tuổi 15-25.
Không thể để con đi dần về phía cái chết, vợ chồng chị Sương đưa con đến các bệnh viện lớn trong nước với hy vọng có thể gặp được những bác sĩ tài năng hay tìm thấy phép màu giúp con bình phục. Nhưng đều vô vọng, 11 tuổi, Tuấn không thể đi lại được nữa. Cũng trong năm đó - năm 2009 - chồng chị Sương bị đột quỵ, qua đời.
Không thể nào kể hết nhọc nhằn mà mẹ con chị Sương trải qua. Bán nhà để có tiền chữa bệnh cho con, cả nhà bao lần đổi nhà trọ khi chủ nhà sợ người bệnh qua đời trong nhà mình; những gì quý giá nhất mà gia đình luôn mang theo là di ảnh người chồng, người cha quá cố và những tấm bằng khen thành tích học giỏi của cô con gái.
Đối diện nhiều biến cố đau đớn thắt lòng song mẹ con chị vẫn luôn biết nghĩ đến người khác. Trước khi rời khỏi cuộc đời, chàng trai 22 tuổi Nguyễn Võ Anh Tuấn để lại món quà vô cùng quý giá: Giác mạc từ đôi mắt của mình, giúp 2 người ở Quảng Trị và Hà Tĩnh tìm lại ánh sáng.
Cảm kích trước ý chí và tình cảm tha thiết của con trai chị dành cho cuộc sống, trước tấm lòng cao cả và nghị lực của chị, bạn đọc và Báo Người Lao Động kết nối với địa phương không chỉ hỗ trợ về công việc mà còn góp tiền xây nhà Tình thương.
Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) tặng 66 triệu đồng; doanh nhân Lê Anh Thiên Thư tặng 30 triệu đồng và Báo Người Lao Động tặng bổ sung, tròn 100 triệu đồng để hỗ trợ chị Võ Thị Sương. Chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” - do ông Trương Hòa Bình sáng lập, Báo Người Lao Động quản lý - cũng tặng con gái chị Võ Thị Sương 10 triệu đồng làm khoản kinh phí hỗ trợ học tập.
Từ nồi cháo đến nhà Tình thương
Cũng ở Phú Yên, vợ chồng ông Phan Ngọc Phượng (SN 1960), trúthôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh - một trong 75 người tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Theo tác giả Phan Văn Lương, tháng 3/2020, ông đến huyện Sông Hinh để viết về một vụ án thì vô tình biết được vợ chồng ông Phan Ngọc Phượng - nhân vật trong bài viết “Vợ chồng nông dân làm việc thiện”, đang giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Với 400.000 đồng còn lại sau chuyến đi điều trị ở Viện Huyết học Truyền máu TP Hồ Chí Minh, ông Phan Ngọc Phượng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lý khởi đầu hoạt động thiện nguyện bằng 100 suất cháo dành cho người già và trẻ em ở xã Đức Bình Tây.
Nghe tin, 3 người con của họ và người thân, tiểu thương thấy hành động này có ý nghĩa nhân văn nên góp thêm tiền thường xuyên. Nhờ đó nồi cháo tình thương do ông bà Phượng - Lý đảm trách vẫn duy trì đều đặn với 100-300 suất vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Trong 6 năm (2017-2023), ông bàPhượng - Lý đã làm cầu nối, vận động nhiều doanh nghiệp, hội - nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 6 nhà Tình thương có tổng trị giá hơn 270 triệu đồng; khoan mới 14 giếng nước cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí mai táng cho gần 300 người neo đơn, gia cảnh khó khăn từ 6-8 triệu đồng mỗi trường hợp; trao tặng 115 chiếc xe lăn cho người khuyết tật và hàng ngàn suất quà.
Với phương châm hành động “Ai thiếu đến nhận - Ai dư đến góp”, hơn 4 năm qua, tại nhà ông bà Phượng - Lý hình thành “Cửa hàng 0 đồng” với quần áo, giày dép cũ - mới, gạo, mì gói, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt... Cùng thời gian đó, ông bà còn vận động nguồn tiền từ nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho 15 gia đình khó khăn xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh...
Mạch nguồn sống đẹp vẫn trào dâng
Cách người Phú Yên bày tỏ lòng nhân cũng như bao người trên đất nước ta hôm nay, cho thấy sống đẹp là truyền thống, là đạo lý của người Việt. Mạch nguồn sống đẹp vẫn trào dâng, tuôn chảy trong dòng đời. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà phát tâm thiện nguyện. Giữa muôn trùng khó khăn bủa vây, trong tuyệt vọng vẫn lóe lên ánh sáng nghĩa nhân.
Cách cho đi của chàng trai 22 tuổi cho thấy anh không mất đi mà anh vẫn còn trên cuộc đời này qua ánh sáng đem lại cho 2 người khác; gia đình anh có thêm những người thân, yêu mến nhau trong cuộc đời còn lại.
Cách người Phú Yên bày tỏ lòng nhân cũng như bao người trên đất nước ta hôm nay, cho thấy sống đẹp là truyền thống, là đạo lý của người Việt. Mạch nguồn sống đẹp vẫn trào dâng, tuôn chảy trong dòng đời. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà phát tâm thiện nguyện. Giữa muôn trùng khó khăn bủa vây, trong tuyệt vọng vẫn lóe lên ánh sáng nghĩa nhân.
Cách làm thiện nguyện của ông bà Phượng - Lý chân chất như chính con người họ, cho đi từ những điều ngỡ như nhỏ nhặt, một bát cháo ấm lòng người nghèo khó đến những chiếc xe lăn hay nhà Tình thương. Họ cho đi, không đòi hỏi nhận lại, song cái họ nhận được là niềm vui, lòng thanh thản vì đã giúp được cho những cảnh đời khốn khó. Mở được lòng mình, giúp ích cho cộng đồng, đem lại những bài học và giá trị sống tốt đẹp, thật đáng quý biết bao.
BÙI PHAN THẢO
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/94/325218/long-nhan-cua-nguoi-dat-phu.html