Gần đây, mạng xã hội xôn xao với video một quán ăn ở Hà Nội khoe cỗ lòng xe điếu dài 40 mét, nặng gần 6 kg, được cho là lấy từ một con heo cái hơn 100 kg. Nhân viên quán phải xếp hàng dài để “đo” lòng, khiến cư dân mạng vừa tò mò vừa hoài nghi.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là chiêu trò câu khách, nhất là khi đầu bếp nổi tiếng Võ Quốc tiết lộ một học trò chuyên thu mua lòng ở lò mổ cho biết lòng xe điếu thật sự rất hiếm, thường chỉ xuất hiện ở heo bệnh.
Nhắc đến lòng xe điếu, nhiều người nghĩ ngay đến món đặc sản đắt đỏ, hiếm gặp. Nhưng khi cỗ lòng được bày bán tràn lan khắp nơi, câu hỏi đặt ra là: rốt cuộc, những miếng lòng này thực chất là gì?
Sự phóng đại quá đà?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết lòng xe điếu là phần đoạn ruột có hình dáng xoắn như chiếc điếu cày, bên trong chứa lớp bột màu trắng đặc trưng.
"Đây là phần lòng bùi béo, giòn sần sật, được nhiều người sành ăn săn đón trong ẩm thực truyền thống. Nhưng không phải ai cũng biết, đoạn lòng xe điếu ngon nhất chỉ nằm ở phần đầu ruột non, gần dạ dày và rất hiếm", PGS Thịnh nói.
Vì thế, câu chuyện "lòng xe điếu dài 40 mét" chỉ là sự phóng đại quá đà. Theo PGS Thịnh, ruột non của một con heo trưởng thành cũng chỉ dài vài mét, không thể kéo dài đến vài chục mét. Chưa kể, không phải đoạn nào của ruột non cũng dùng được, chúng được chọn lọc kỹ lưỡng để chế biến, không phải cứ ruột heo là có thể làm được món này.
Nhân viên quán xếp hàng "đo" lòng xe điếu. Ảnh: @the_se_dieu.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng một thủ thuật đơn giản có thể "phù phép" ra đoạn lòng xe điếu dài tới 40 mét là khâu nối nhiều đoạn ruột lại với nhau bằng chỉ khâu giấu, tương tự kỹ thuật khâu thẩm mỹ trong y khoa.
Trên thực tế, trong ngành y, việc khâu hay nối ruột là thao tác phổ biến khi xử lý các ca thủng ruột hoặc chấn thương bụng. Vì vậy, hoàn toàn có thể tạo ra đoạn ruột dài bao nhiêu tùy ý - miễn là không quay trực tiếp cảnh lấy lòng từ trong bụng heo. Nói cách khác, video có thể đã được dàn dựng khéo léo bằng các thủ thuật tinh vi.
Lòng xe điếu có thể là "bẫy" hóa chất
Một số ý kiến cho rằng lòng xe điếu có thể là hệ quả của các bệnh đường ruột ở heo, như nhiễm trùng hay ký sinh trùng. Những tổn thương này khiến niêm mạc ruột bị bào mòn. Khi lành lại, lớp niêm mạc được tái tạo dày hơn bình thường, tạo thành các nếp gấp bất thường - đặc điểm khiến nhiều người lầm tưởng là “đặc sản”.
Cũng có ý kiến khác khẳng định lòng xe điếu không phải dấu hiệu bệnh lý mà là đặc điểm hiếm gặp, thường thấy ở heo nái hoặc giống heo bản địa. Những con heo này thường được nuôi lâu năm theo kiểu nông hộ, ăn rau, bèo tấm… nên ruột có thể phát triển nếp gấp đặc biệt. Trong khi đó, heo công nghiệp - vốn có thời gian nuôi ngắn, khẩu phần chuẩn hóa - gần như không xuất hiện lòng xe điếu.
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng cảnh báo tình trạng lòng xe điếu "giả" đang tràn lan, được "hô biến" từ lòng heo thường bằng hóa chất độc hại hoặc nhập lòng từ Trung Quốc.
Cụ thể, lòng non được ngâm phèn chua để làm se niêm mạc, thậm chí dùng đến formol pha loãng hoặc oxy già nồng độ cao để tẩy trắng, khử mùi. Sau đó, người bán xoắn, ép thủ công để hai lớp lòng dính vào nhau, trộn thêm dung dịch dạng hồ ở giữa để tạo cảm giác như "lòng đôi" thật.
"Việc sử dụng hóa chất để hô biến lòng heo thường thành lòng xe điếu không chỉ là hành vi gian dối mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe", bác sĩ Thiệu nói với Tri thức - Znews.
Một số loại hóa chất như oxy già (hydrogen peroxide) hoặc phèn chua sử dụng để làm sạch, tẩy trắng nội tạng động vật. Dù sau khi xử lý có được ngâm rửa lại, chúng vẫn có nguy cơ tồn dư hóa chất thấm vào thực phẩm.
Lòng xe điếu là món ăn yêu thích của nhiều người, đang khiến dư luận xôn xao. Ảnh: YT/OK Con Dê.
Theo bác sĩ Thiệu, khi ăn, các chất này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, như làm tổn thương niêm mạc dạ dày - ruột, dẫn đến viêm loét dạ dày, đại tràng, thậm chí là nguy cơ chảy máu tiêu hóa.
"Formol cũng là chất cực độc với gan, thận và hệ thần kinh, đã bị cấm sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Formol chủ yếu được dùng trong công nghiệp, như ướp xác hay bảo quản mẫu vật trong phòng thí nghiệm", vị chuyên gia cho hay.
Để phân biệt nội tạng sạch và đã qua xử lý hóa chất, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân nên lưu ý những chi tiết sau:
Nội tạng tự nhiên có màu trắng ngà hoặc hơi hồng do máu còn lưu lại. Khi rửa, nước rửa có màu hồng nhạt.
Nội tạng đã ngâm hóa chất thường có màu trắng sáng bất thường, nhìn bóng và bắt mắt hơn. Sau khi rửa, nước không có màu hồng nhạt đặc trưng hoặc hoàn toàn trong.
Mùi: Nội tạng tươi mới có mùi tanh nhẹ, đặc trưng theo từng loại. Nếu đã bị tẩy rửa bằng hóa chất, mùi tanh này sẽ mất đi. Một số trường hợp còn được ngâm thêm hóa chất tạo mùi để đánh lừa người tiêu dùng - loại mùi này thường nồng và "giả" hơn mùi tự nhiên.
Lớp mỡ: Nội tạng sạch thường còn dính một lớp mỡ thừa tự nhiên. Nếu đã qua xử lý hóa chất, lớp mỡ này thường bị loại bỏ hoặc trông không còn tự nhiên.
Bên cạnh đó, PGS Thịnh cũng cho hay lòng xe điếu cần được luộc chín kỹ để đảm bảo an toàn, loại bỏ nguy cơ nhiễm giun sán. Người tiêu dùng cần tinh mắt khi lựa chọn. Hãy ưu tiên những đoạn ruột tròn đều, phẳng phiu, màu trắng hồng tươi tắn, bề mặt nhẵn và không có mùi lạ. Đó là dấu hiệu của lòng tươi, sạch.
"Nội tạng động vật là thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa. Vì vậy, người dân cần hạn chế sử dụng, đặc biệt với người có các bệnh lý như: tăng huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ, gout, mỡ máu cao...", bác sĩ Thiệu khuyến cao.
Sáng 6/5, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết việc quảng cáo lòng xe điếu dài tới 40 mét là hành vi gian lận thương mại trong chế biến - thủ đoạn nhằm nâng giá một món ăn vốn hiếm và đắt đỏ.
Bà Lan khẳng định Sở đang tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu để kiểm nghiệm, làm rõ liệu sản phẩm có sử dụng phụ gia hay chứa chất độc hại hay không.
"Trước đây, việc giám sát mặt hàng này chưa được đặt thành trọng tâm do Sở ưu tiên kiểm tra thịt heo và các sản phẩm phổ biến hơn", bà Lan chia sẻ.
Phương Anh