Longform: Quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc

Longform: Quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc
6 giờ trướcBài gốc
Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 8/2024 khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.
Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung.
Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).
Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
16 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước duy trì xu thế không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định.
Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu và được củng cố. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính Hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Đặc biệt, sau hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Kể từ sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn,” quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.
Hai bên đang trao đổi, xác định một số cơ chế đối thoại mới. Năm 2024, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên, theo nhiều hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (18/1/1950-18/1/2025).
Gần đây nhất, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự trân trọng đặc biệt đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện qua việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng tại Đại sứ quán Việt Nam và cử đại diện đặc biệt là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh sang dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 25 và 26/7/2024).
Khi đó, nhận định về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà Marxist kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, dẫn dắt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thúc đẩy và giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận được sự ủng hộ và yêu mến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác song phương, trên các diễn đàn đa phương, hai nước cũng tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt kim ngạch 38,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Ngoài ra, hai bên hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi…
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Về đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/7/2024, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 28,5 tỷ USD với 4.754 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD với hơn 700 dự án, tăng hơn 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%). Trong 6 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới tại Việt Nam với 447 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD.
Thứ nhất là về thể chế chính trị, thể chế chính trị hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế hai nước đều có sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp kế hoạch sang thị trường. Văn hóa hai nước đã có sự giao thoa trong khoảng thời gian lịch sử rất dài. Những điểm tương đồng này là những điều kiện thuận lợi nhất để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao trong quá khứ và cả tương lai sau này.
Thứ hai, điều kiện về vị trí địa lí cũng là thuận lợi rất lớn để hai nước phát triển quan hệ hợp tác thương mại. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới kéo dài khoảng hơn 1.400 km. Việt Nam có 7 tỉnh từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.
Việt Nam là một nước có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vô cùng lớn cho nông dân Việt Nam” - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định hai nước còn rất nhiều dư địa để lập “các kỷ lục mới” về phát triển quan hệ kinh tế, đầu tư, đồng thời kêu gọi hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Bên cạnh đó, không ít lần trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, thủy sản, hoa quả chất lượng cao; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.
Cũng theo Bộ Công Thương, những năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây, sầu riêng...
Đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… do vậy, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tỷ dân này là vô cùng rộng lớn.
Dù vậy, theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hiện nước này đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu.
"Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Thị trường này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy..." - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật những xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.
Quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển sâu sắc, toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay. Sự hợp tác, thực chất, đi vào chiều sâu giữa hai nước càng được phản ánh sinh động thông qua 16 văn kiện hợp tác được các Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8/2024 vừa qua.
Đáng chú ý, trong số 16 văn kiện hợp tác ký kết vừa qua, tại Trung Quốc Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các văn kiện hợp tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký kết bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Có thể nói, việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc là nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc và thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền các địa phương Trung Quốc.
Đây cũng được coi là mô hình điểm trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, mở ra những cơ hội mới, mang lại lợi ích to lớn cho các địa phương hai nước và đúng như tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành Công Thương “sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh là những rào cản đối với doanh nghiệp hai nước trong quá trình xây dựng quan hệ kinh doanh tin cậy và bền vững, vì vậy điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên”.
Đặc biệt, thông qua các bản ghi nhớ hợp tác với các địa phương nêu trên, Bộ Công Thương đang là một trong những Bộ, ngành đi đầu cả nước trong việc tiên phong thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, đúng với mục tiêu về hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc không chỉ là câu chuyện của riêng của hai nước mà trở thành câu chuyện chung của toàn cầu. Trung Quốc đã và đang trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu gắn với nhập khẩu, kết nối chuỗi cung ứng không chỉ với Việt Nam mà còn với khu vực và toàn thế giới. Chính vì vậy, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ được nâng tầm và hợp tác về kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc.
Thời gian tới, thương mại hai nước Việt - Trung sẽ có nhiều đột phá khi các Bộ, ngành, cơ quan hai nước ký kết nhiều văn kiện, biên bản hợp tác. Trong đó phải kể đến 3 văn kiện, biên bản hợp tác mà Bộ Công Thương Việt Nam đã thiết lập với Bộ đối tác cũng như các địa phương Trung Quốc. Điều này thể hiện dư địa và không gian hợp tác của hai nền kinh tế còn rất lớn, đặc biệt là đối với các địa phương biên giới.
Các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, giao thông vận tải đường sắt, du lịch... sẽ là những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tiềm năng bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống.
Những địa phương mà Bộ Công Thương lựa chọn ký kết thỏa thuận hợp tác (với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Vân Nam, tỉnh Hải Nam...) đại diện cho sự hợp tác đa dạng về nhu cầu của hai nước; đồng thời thể hiện tính đặc thù trong quan hệ hai nước.
Để tận dụng tối đa những thỏa thuận hợp tác, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nâng cấp mình hơn, tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mô hình hợp tác này cần được nhân rộng không chỉ trong các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương mà còn ở nhiều Bộ, ngành khác để nâng tầm hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Hoàng Hòa
Đồ họa: Hồng Thịnh
Hoàng Hòa - Hồng Thịnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/longform-quan-he-hop-tac-dau-tu-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-trung-quoc-348851.html