Thầy Nguyễn Anh Dũng, chủ nhiệm lớp Cao cấp lý luận chính trị K75-A16 cùng tập thể lớp, dâng hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào thuộc địa phận thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Đến thăm Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào thuộc địa phận thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Đoàn được nghe giới thiệu sự nghiệp, những đóng góp to lớn của các vị tiền bối trong quá trình đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Qua đó, các thành viên trong đoàn hiểu hơn về giá trị lịch sử, về sự hy sinh và ý chí quật cường của các lãnh tụ cách mạng Việt Nam trong 2 thời kỳ trước cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống Pháp tại Tân Trào - Thủ đô kháng chiến.
Điện thờ 14 vị tiền bối cách mạng gồm: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn (một nhân sỹ yêu nước chân chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Ban cố vấn Chính phủ; Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội khóa I), đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu.
Tiếp tục chuyến hành trình về nguồn, đoàn đến thăm một số điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đoàn đã đến thăm đình Tân Trào ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám thành công. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.
Cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía Đông là cây đa Tân Trào - một trong những biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.
Cụm di tích Nà Nưa bao gồm các di tích: Lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía Đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.
Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội…
Đến thăm Khu di tích Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, Đoàn được nghe giới thiệu về lịch sử những ngày đầu thành lập trường, đây là tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong thời gian trường Nguyễn Ái Quốc đóng ở xã Tân Tiến từ năm 1952 đến tháng 10/1954, cán bộ học viên nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học do Trung ương Đảng giao phó, góp phần đào tạo thế hệ cán bộ nòng cốt, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý đất nước sau hòa bình lập lại.
Hành trình về nguồn của lớp Cao cấp lý luận chính trị K75.A16 có ý nghĩa thiết thực nâng cao nhận thức cho các học viên về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, chuyến đi cũng góp phần tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các học viên trong lớp, tạo động lực để mỗi học viên ra sức phấn đấu, không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện tại mái trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Lớp Cao cấp lý luận chính trị K75.A16 với nhiều hoạt động ý nghĩa trong hành trình về nguồn tại tỉnh Tuyên Quang:
Đoàn thăm và thắp hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào.
Đình Tân Trào.
Cây đa Tân Trào.
Lán Nà Nưa.
Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn.
Đoàn thắp hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Tuyên Quang.
Thiên Trường