Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với bậc trung học phổ thông.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mới, các nhà trường phổ thông gặp một số khó khăn như thiếu giáo viên bộ môn cục bộ, nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật; thiếu phòng học; phòng thực hành, thí nghiệm,...
Vậy nên, đa số các nhà trường ấn định tổ hợp môn "cứng" từ 3-4 môn rồi cho học sinh chọn lựa chọn một trong những tổ hợp đó.
Cách làm này giúp giải quyết bài toán nhân sự giáo viên trước mắt nhưng về lâu dài sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh vì có những môn các em không thích mà vẫn phải học.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.
Hiện nay, một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai lớp học "chạy" để giúp học sinh có thể được lựa chọn nhiều tổ hợp môn theo nguyện vọng và sở thích của cá nhân.
Sở dĩ có tên gọi học "chạy" là vì ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc học sinh được học theo lớp cố định vào buổi sáng thì buổi chiều mỗi em có một thời khóa biểu riêng, "chạy" sang các lớp có môn học tự chọn mà mình đăng ký.
Lớp học "chạy" được tổ chức đối với các nhà trường dạy học 2 buổi/ngày. Ví dụ, buổi sáng, học sinh Nguyễn Văn A học các môn: Ngữ văn; Toán; Tiếng Anh; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương theo đơn vị lớp. Nhưng, buổi chiều em A lại học môn Vật lí, Hóa học ở một lớp học khác.
Tương tự, học sinh B có lịch học như sau: buổi sáng học chung với các bạn theo thời khóa biểu chung của lớp nhưng buổi chiều lại học môn Sinh học, Tin học ở một lớp học khác.
Ở đơn vị nơi người viết đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh), đối với môn Giáo dục thể chất, học sinh cũng được lựa chọn một trong số các đơn môn theo sở thích, sở trường của từng cá nhân như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông,...
Như vậy, những học sinh học môn lựa chọn (kể cả môn Giáo dục thể chất) được gom vào một lớp. Một lớp học môn lựa chọn có nhiều học sinh đến từ các lớp khác nhau trong cùng một khối.
Theo ghi nhận của người viết, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều cho học sinh lựa chọn dao động từ 3-4 tổ hợp môn. Còn một số trường cho học sinh học "chạy" thì các em được lựa chọn 7-8 tổ hợp môn (trong số 124 tổ hợp môn).
Đáng chú ý, những trường cho học sinh học "chạy" thì mỗi em có một thời khóa biểu riêng. Có em một buổi học 5 tiết nhưng em khác thì học 4 tiết theo kiểu luân phiên các ngày trong tuần.
Có thể nhận thấy, việc một số nhà trường tổ chức lớp học "chạy" đã góp phần hiện thực hóa Chương trình mới, cụ thể, học sinh được đa dạng khi lựa chọn tổ hợp môn.
Hơn nữa, việc học sinh "chạy" từ lớp này sang lớp khác còn giúp các em có sự gắn bó, đoàn kết và thêm nhiều mối quan hệ giữa với các lớp học trong khối.
Đối với lớp học "chạy", mỗi lớp thành lập một ban cán sự riêng - khác với lớp học cố định, cũng là một sự trải nghiệm thú vị cho cả thầy và trò khi dạy và học Chương trình mới.
Thế nhưng, việc tổ chức lớp học "chạy" vẫn còn đó những khó khăn nhất định mà các nhà trường chưa thể khắc phục một sớm một chiều.
Thứ nhất, không phải trường nào cũng đủ phòng học, các phòng chức năng. Hiện nay, một trường có quy mô khoảng 2.000 học sinh thường có khoảng 50 phòng học, phòng chức năng.
Khi tổ chức lớp học "chạy", nhà trường phải tận dụng tất cả những phòng như phòng giám thị, phòng bán trú, phòng nghỉ giáo viên,... để làm phòng học; hoặc gom phòng STEM, phòng nghe nhìn thành một phòng.
Thứ hai, việc xếp thời khóa biểu cho từng học sinh, từng lớp, từng giáo viên cũng là bài toán khó khiến hiệu phó chuyên môn rất "đau đầu".
Một hiệu phó chuyên môn ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, có khi xếp một thời khóa biểu, lãnh đạo này phải mất từ 3-4 ngày vì chủ yếu là xếp thủ công (ít sử dụng phần mềm lập trình sẵn).
Tháng nào, học kì nào có giáo viên nghỉ thai sản, chuyển trường, nghỉ không lương, tiếp nhận nhân sự mới,... là thời khóa biểu phải thay đổi liên tục.
Thứ ba, khi nhà trường tổ chức lớp học "chạy" thì thời khóa biểu của thầy cô không còn "đẹp" nữa, không ít người đi dạy cả tuần từ thứ Hai đến thứ Bảy, nhất là giáo viên làm công tác tác kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp.
Thứ tư, giáo viên bộ môn dạy ở những lớp "chạy" cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là ở khâu quản lí lớp (khó nhớ tên học sinh) và vào điểm học bạ.
Ví dụ, giáo viên dạy môn Âm nhạc phải đi dò học bạ từng em trong lớp xem em nào có học, em nào không học môn của mình để viết cho đúng.
Chỉ khi các nhà trường phổ thông sử dụng đồng bộ học bạ điện tử, hồ sơ điện tử thì giáo viên dạy lớp học "chạy" sẽ giảm thiểu tối đa những khó khăn này.
Một số giáo viên dạy lớp học "chạy" đúc kết, để dạy tốt những lớp học này đòi hỏi các thầy cô giáo phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, truyền giảng thật hay, phương pháp giảng dạy thật sinh động thì mới thu hút học sinh học tập hiệu quả.
Bàn về lớp học "chạy", hiệu trưởng ở đơn vị nơi người viết đang công tác chia sẻ, nếu các nhà trường phổ thông thực hiện tốt mô hình này thì học sinh có thể được hơn 10 tổ hợp (thay vì 4-5 tổ hợp như đa số các trường đang triển khai hiện nay).
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ánh Dương