Lớp học xóa mù chữ ở vùng biên giới Nghĩa Thuận

Lớp học xóa mù chữ ở vùng biên giới Nghĩa Thuận
8 giờ trướcBài gốc
Cán bộ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận và giáo viên hướng dẫn các học viên luyện từng nét chữ tại lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Hoàng Chính
Nghĩa Thuận là xã biên giới của huyện Quản Bạ có trên 20km đường biên tiếp giáp với huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, do Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, BĐBP Hà Giang trực tiếp quản lý và bảo vệ. Địa phương có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm đa số là dân tộc Mông và dân tộc Nùng. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng BĐBP cùng sự cần cù, chịu khó của đồng bào các dân tộc, mảnh đất Nghĩa Thuận đã có sự thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản, cuộc sống của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế thấy rằng, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, tỷ lệ chưa biết chữ trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn cao.
Ông Lù Mí Sùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, nguyên nhân tỷ lệ chưa biết chữ trong vùng đồng bào DTTS tại xã Nghĩa Thuận vẫn còn cao là do trước đây, điều kiện kinh tế khó khăn cùng một số hủ tục ăn sâu vào tiềm thức đồng bào nên nhiều người dân không được đi học, nhất là phụ nữ. Năm 2025, địa phương phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tại huyện, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận tiến hành mở 4 lớp dạy xóa mù chữ cho vùng đồng bào DTTS tại các thôn Ma Sào Phố, Cốc Pục, Na Lình, Xín Cái với 134 học viên tham gia học.
Trung tá Lương Mạnh Hùng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận chia sẻ: “Trong công tác vận động nhân dân tham gia lớp học xóa mù chữ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”. Ban đầu, công tác vận động gặp nhiều khó khăn, đa phần người dân chưa biết đọc, biết viết chữ tiếng Việt, chủ yếu là người đã có tuổi, lao động chính trong nhà hoặc phụ nữ. Sau nhiều lần tuyên truyền “mưa dầm, thấm lâu”, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, bí thư, trưởng thôn, bà con đã nhận ra được mục đích, ý nghĩa của việc học xóa mù chữ nên tích cực tham gia”.
Buổi tối, sau một ngày vất vả với công việc nương rẫy, bà Sân Thị Liên, sinh năm 1975, dân tộc Nùng, ở thôn Na Lình, xã Nghĩa Thuận trở về nhà lại tất bật với công việc dọn dẹp, nấu cơm để đến lớp học xóa mù chữ cho kịp thời gian. Trước đây, do điều kiện gia đình khó khăn nên bà Liên không được học chữ. Một tập vở ô li, bút và đèn pin là hành trang đi học ở độ tuổi 50 của bà Liên. Bà luôn hào hứng khi đi học như “nương rẫy được mùa” vậy.
Trên con đường tới lớp học, bà Sân Thị Liên vui vẻ chia sẻ: “Ngày đi làm nương rẫy vất vả, tối về cầm vở đi học xóa mù chữ, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ, e ngại vì ở độ tuổi này, mình mới đi học. Thế nhưng khi đến lớp, được cô giáo và cán bộ BĐBP giảng dạy tận tình, tôi đã biết dọc, biết viết, biết đến các con số... Tôi vui lắm, khi thành thạo bảng chữ cái, tôi tự viết họ và tên mình lên trên giấy”.
Đúng 19 giờ 30 phút, lớp học xóa mù chữ tại thôn biên giới Na Lình bắt đầu sáng điện, 38 học viên của lớp học đợt này có cả nam và nữ đều là lao động chính trong gia đình. Học viên lớn tuổi nhất trong lớp đã 50 tuổi, nhỏ tuổi nhất cũng 18 tuổi. Dưới ánh đèn, các học viên được cô giáo có kinh nghiệm của địa phương cùng "thầy giáo mang quân hàm xanh" hướng dẫn nhận biết, đọc, viết chữ cái, con số theo chuẩn tiếng Việt.
Cô giáo Sân Thị Bình, chủ nhiệm lớp xóa mù chữ thôn Na Lình cho biết, lớp học có 100% là người dân tộc Nùng, ban đầu, các học viên còn e dè, ngại ngùng vì nhiều người đã lớn tuổi. Qua các buổi học, các học viên đã sôi nổi hơn, trong từng tiết học, mỗi học viên đều chú ý nghe giảng nên việc tiếp thu cũng khá nhanh. Mỗi chữ cái, con số đều được học viên nắn nót viết chỉn chu trên từng trang giấy ô li.
Hình ảnh “mẹ bồng con đi học” thể hiện khao khát, quyết tâm xóa mù chữ của bà con xã Nghĩa Thuận. Ảnh: Hoàng Chính
Dịp này, chúng tôi cũng tới thăm lớp học xóa mù chữ ở thôn biên giới Xín Cái, khoảnh khắc im lặng của núi rừng biên cương được rộn ràng hơn bởi sự rôm rả từ âm thanh đánh vần của các học viên trong lớp học. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh Thiếu úy Lý Thái An, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đang miệt mài hướng dẫn các học viên nắn nót viết từng chữ cái trên bảng. Cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần của người "thầy giáo mang quân hàm xanh" như tiếp thêm nguồn động lực, cổ vũ để mỗi học viên của lớp học vượt qua giới hạn của sự mặc cảm để quyết tâm xóa mù chữ.
Thiếu úy Lý Thái An cho biết, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã phân công Đội Vận động quần chúng cử cán bộ tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ công tác giảng dạy tại các lớp học xóa mù chữ ở địa phương. Lớp học xóa mù chữ ở thôn Xín Cái có 38 học viên, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Các học viên học từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút các tối từ thứ Hai đến thứ Sáu. Lớp học được tổ chức vào buổi tối vì ban ngày bà con đi làm nương rẫy và các công việc khác của gia đình. Học viên rất hăng hái và tập trung trong quá trình học nên tiếp thu kiến thức khá.
Bế con trên tay nắn nót viết từng chữ cái trên tấm bảng kẻ ô ly, chị Sùng Thị Lía, sinh năm 2004, dân tộc Mông, học viên lớp học xóa mù chữ thôn Xín Cái bộc bạch: “Không biết đọc, biết viết rất thiệt thòi. Trước đây, em muốn viết tên mình, tên con mà cũng không biết viết, làm kinh tế không biết tính toán. Giờ được theo lớp học xóa mù chữ, em vui lắm. Tối nào em cũng đến lớp học đầy đủ, em bế con, khao khát học được con chữ”.
Kết thúc lớp học, các học viên được giáo viên dặn dò kỹ càng về việc ôn bài ở nhà, vì thế trên suốt quãng đường đi về, những tiếng phát âm chữ cái, con số cũng là cách để bà con nhớ lại những gì đã học. Những hình ảnh như “mẹ bồng con đi học”, “chồng theo bế con để vợ học" hoặc “cả nhà cùng đi học” ở lớp dạy chữ; những bàn tay chai sần vất vả quen với việc làm nương rẫy nay cầm bút, cầm phấn viết từng nét chữ thẳng hàng trên bảng, trên giấy... như phần nào thể hiện sự quyết tâm của đồng bào DTTS nơi vùng biên giới Nghĩa Thuận - đó là sự khao khát được học con chữ, tiếp thu kiến thức, tiến bộ của xã hội để xây dựng quê hương ngày một ấm no.
Hoàng Chính
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/lop-hoc-xoa-mu-chu-o-vung-bien-gioi-nghia-thuan-post490043.html