Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam ( MCK: LPB) đã họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 để thông qua một loạt các vấn đề quan trọng bao gồm: Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, tăng vốn điều lệ, mua cổ phần FPT, bổ sung thành viên Hội đồng quản trị,…Thông tin đáng chú ý có thông tin được ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank chia sẻ, thời gian tới, LPBank sẽ cố gắng hàng năm chia cổ tức “từ 16,8% trở lên và trên, dưới 20% một chút”
Điểm đến mới ủy quyền cho Hội đồng quản trị toàn quyền quyết định
Cụ thể, ngân hàng trình Đại hội phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính hiện tại của LPBank từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điểm đến mới của ngân hàng cũng như thời gian thực hiện di dời chưa được đề cập cụ thể trong tờ trình song sẽ được ủy quyền cho Hội đồng quản trị LPBank toàn quyền quyết định.
LPBank cho rằng, sự dịch chuyển này cũng là xu thế của ngành ngân hàng trong việc xây dựng chiến lược tập trung phát triển đặc biệt là ở vùng nông thôn, đô thị loại 2 góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đồng đều trên cả nước phù hợp với định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Lãnh đạo LPBank cho biết, hiện nay, trong xu thế phát triển mới, cả nước đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ/ưu đãi đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực.
“Để có thể tập trung phát triển kinh tế kết hợp với cải thiện đời sống cho nhân dân trong địa bàn, các địa phương đang cần có nhu cầu vốn lớn để phục vụ đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này rất cần các ngân hàng có uy tín chuyển trụ sở chính về đặt tại địa phương để từng bước hình thành trung tâm tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đầu tư phát triển” - tờ trình của LPBank đề cập.
Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy - Chủ tọa trả lời các câu hỏi của cổ đông
Một trong những nội dung quan trọng khác được đưa ra thảo luận tại Đại hội lần này là việc góp vốn, mua cổ phần của Công ty Cổ phần FPT. Theo đó, LPBank dự kiến đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của FPT. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
LPBank cho rằng, ngân hàng đang từng bước khẳng định vị thế của một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, việc LPBank đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp LPBank đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Qua đánh giá, Hội đồng quản trị nhận thấy cổ phiếu Công ty cổ phần FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của LPBank.
Được biết, FPT hiện có vốn điều lệ 14.604 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện có giá 133.800 đồng/cp. Như vậy, nếu mua tối đa 5% vốn cổ phần của FPT, LPBank sẽ mua khoảng 73 triệu cổ phiếu FPT. Ước tính theo thị giá hiện tại, ngân hàng có thể phải bỏ ra khoảng 9.800 tỷ đồng.
“Cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30, đại diện cho những cổ phiếu hàng đầu, có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài trong trung hạn và dài hạn” - Hội đồng quản trị LPBank đánh giá.
Một tờ trình quan trọng khác được thông qua tại Đại hội là phương án tăng vốn điều lệ lên 29.872,9 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%. Phương án này thay thế kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng thông qua chào bán tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) phê duyệt.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, thời gian tới, LPBank sẽ cố gắng hàng năm chia cổ tức “từ 16,8% trở lên và trên, dưới 20% một chút”.
Theo lãnh đạo LPBank, tính đến cuối tháng 10, tổng tài sản ngân hàng đạt 460.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 18% (gần hết room tín dụng tạm thời phân bổ). Lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Như vậy, LPBank sẽ vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao cho từ đầu năm (chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng). Chủ tịch LPBank khẳng định, nếu không có gì bất thường xảy ra (không thiên tai, bão lụt lớn…) thì sang năm có thể chia cổ tức trên 20%
Nâng số lượng thành viên hội đồng quản trị
Tại cuộc họp lần này, Hội đồng quản trị LPBank còn trình cổ đông việc nâng số lượng Hội đồng quản trị từ 7 lên 9 thành viên. 2 thành viên độc lập mới được bầu thông qua bao gồm bà Vương Thị Huyền và ông Phạm Phú Khôi.
LPBank bầu bổ sung 2 thành viên độc lập HĐQT, tăng cường năng lực quản trị (Ảnh: LPBank)
Bà Vương Thị Huyền sinh năm 1974, có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Huyền tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Học viện Ngân hàng năm 1997, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Đại học Nam Columbia năm 2007.
Bà Vương Thị Huyền đã có thời gian dài (2012 - 2019) là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB), kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc… Từ tháng 10/2019 đến nay, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp Fast Capital.
Ông Phạm Phú Khôi cũng có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Vào tháng 12/2023, ông được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank (LPBS) và đảm nhận vị trí này đến nay.
Đại hội cũng tiến hành thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là ông Lê Hồng Phong và ông Lê Minh Tâm. Trước đó, ông Phong và ông Tâm đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.
H.H