LS Đặng Văn Cường: Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết

LS Đặng Văn Cường: Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết
2 ngày trướcBài gốc
Trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 168, cơ quan chức năng đã xử phạt với số tiền 28.000.000.000 đồng, đây là số tiền rất lớn. Số tiền phạt cho thấy số người vi phạm về giao thông đường bộ là rất lớn.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, rất nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh mức phạt lên rất cao, thậm chí là gấp hàng chục lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ).
Ảnh minh họa.
Đánh giá về nghị định mới của chính phủ, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nghị định 168 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số "hành vi vi phạm giao thông đường bộ có lỗi cố ý, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao" là cần thiết.
Mức phạt mới cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý những hành vi vi phạm giao thông có tìm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông phải lập lại trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhằm xây dựng văn hóa giao thông, môi trường văn minh, lành mạnh.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
"Điều đáng chú ý những hành vi vi phạm pháp luật này đều là những hành vi có lỗi cố ý, người thực hiện hành vi vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm giao thông nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và thực tế đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra", luật sư Cường nói.
"Nhiều người đã bị phát hiện, bị xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra rất nhiều, hành vi vi phạm diễn biến phức tạp. Bởi vậy, nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bằng hình thức tuyên truyền thì sẽ không đạt hiệu quả tích cực. Cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó kết hợp giữa giải pháp tuyên truyền giáo dục với giải pháp áp dụng biện pháp cưỡng chế, tăng mức chế tài xử lý.
Muốn giảm biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự, tăng tính chất phòng ngừa thì cần tăng mức chế tài hành chính để răn đe và phòng ngừa chung. Ví dụ: nếu hành vi vi phạm giao thông là vượt đèn đỏ có mức chế tài hành chính ít nghiêm khắc, người vi phạm bị xử phạt mà không đủ sức răn đe thì hành vi vi phạm sẽ ngày càng nhiều và nguy cơ tai nạn giao thông ngày càng cao, khi tai nạn xảy ra mà hậu quả nghiêm trọng thì khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng", Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết.
Chế tài nghiêm khắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Theo luật sư Cường, pháp luật có chế tài nghiêm khắc hay ít nghiêm khắc thể hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trực tiếp là điều kiện phát triển kinh tế xã hội, về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Khi ý thức chấp hành pháp luật của công dân đã tốt rồi thì mức hình phạt sẽ bớt nghiêm khắc, thậm chí còn có thể bỏ hình phạt để điều chỉnh bởi các quy phạm xã hội.
Ngược lại, khi ý thức chấp hành pháp luật về một lĩnh vực nào đó chưa tốt, đã tăng cường các biện pháp giáo dục nhưng vẫn không hiệu quả, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội thì việc tăng mức chế tài là cần thiết.
"Nếu so sánh cùng một hành vi vi phạm giao thông thì ở mỗi quốc gia sẽ có một mức xử lý khác nhau, có quốc gia có thể xử lý bằng chế tài hình sự nhưng cũng có quốc gia có thể xử lý bằng chế tài hành chính, thậm chí mức xử phạt tiền cũng khác nhau bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố về lịch sử, văn hóa, xã hội, về hệ thống pháp luật, ngoài ra yếu tố về ý thức chấp hành pháp luật, các biện pháp tác động đến ý thức chấp hành pháp luật cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến hình thức và mức xử lý vi phạm.
Mục đích xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không phải là để thu tiền về ngân sách nhà nước mà là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra để đảm bảo bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông.
Xem thêm video: Con bị xử phạt, bố say xỉn đập xe tại chốt CSGT
Gia Đạt
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ls-dang-van-cuong-tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-la-can-thiet-2068582.html