Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 12): Tiếp nối trang sử hào hùng

Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 12): Tiếp nối trang sử hào hùng
9 giờ trướcBài gốc
“Sấm sét Gio An”
Lữ đoàn 164 thành lập ngày 25/10/1954 tại khu Trại Cờ, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) với tên gọi ban đầu Trung đoàn Pháo binh 86. Chia sẻ về truyền thống “Kiên cường - Tự lực - Đánh giỏi - Bắn trúng” của đơn vị, Đại tá Nguyễn Văn Thụ, Lữ đoàn trưởng cho biết: Sau khi thành lập, trải qua quá trình xây dựng lực lượng, đơn vị đổi tên là Trung đoàn Pháo binh 164, hành quân, tham gia chiến đấu trên địa bàn Quân khu 4. Tại đây, đơn vị đã kiên cường bám đất, bám dân, anh dũng chiến đấu đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 huấn luyện.
Đầu năm 1967, Trung đoàn được lệnh tham gia hiệp đồng tác chiến tiêu diệt địch ở Đường 9 và đánh trả pháo binh địch ở bờ Nam sông Bến Hải. Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ cho Trung đoàn phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 3 (Sư đoàn 324) đánh hiệp đồng ở khu vực Bắc Đường 9 thuộc địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ ngày 2 đến 6/7/1967, trận đánh hiệp đồng Bộ binh - Pháo binh đầu tiên của Trung đoàn được thực hiện với hình thức “tiến công, bao vây kết hợp với chốt giữ”.
Sau khi có lệnh, Trung đoàn đã nổ súng tiêu diệt địch ở Cồn Chùa, Bắc Hảo Sơn; chế áp Sở chỉ huy Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, sân bay dã chiến, khu kho ở Đông Hà; chế áp tiêu diệt địch tại các khu vực An Nha, Hảo Sơn Động, Hảo Sơn Làng, Điểm cao 82, Gia Bình, Điểm cao 100... Trong trận chiến đấu này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.979 tên Mỹ - Ngụy, bắt 39 tên, phá hủy 24 xe quân sự, bắn rơi, bắn cháy 11 máy bay, đánh sập Sở chỉ huy Sư đoàn 3 Mỹ, phá hủy 1 sân bay, 1 khu kho, 1 tàu tuần dương hạm, 2 tàu khu trục hạm, 3 trận địa pháo binh. Trận đánh hiệp đồng Bộ - Pháo tiến công Gio An được báo chí nước ngoài mô tả là “Sấm sét Gio An”. Với chiến công này, Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Tiếp nối chiến công, Trung đoàn tiếp tục chi viện hỏa lực cho các đơn vị tiêu diệt lớn quân địch trên mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Trị - Thiên. Từ Trung đoàn pháo binh cơ động của Mặt trận B5 phát triển thành Lữ đoàn Pháo binh chiến dịch trong đội hình Binh đoàn Hương Giang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn vinh dự được nổ súng mở màn cho cuộc tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, tập kích hỏa lực vào sân bay Tân Sơn Nhất cắt đứt đường tháo chạy cuối cùng bằng đường không của Mỹ - Ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Lữ đoàn trở về đóng quân tại huyện Hiệp Hòa, tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp, xây dựng Lữ đoàn ngày càng trưởng thành.
Tô thắm truyền thống
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164, những trang sử hào hùng của đơn vị luôn là điểm tựa tinh thần để họ giữ vững ý chí quyết tâm trong công tác, học tập và chiến đấu. Vào những ngày đầu tháng 12, tham quan khu vực huấn luyện của Tiểu đoàn 1, chăm chú theo dõi các khẩu đội pháo 152 luyện tập thực hành chiếm lĩnh trận địa, làm công tác chuẩn bị chiến đấu, chúng tôi thực sự ấn tượng. Dứt khẩu lệnh của người chỉ huy, các khẩu đội pháo nhanh chóng cơ động vào vị trí chiến đấu.
Chiến sĩ Bùi Đình Thắng, Đại đội 3 cho biết: “Đây là loại pháo có kích thước, khối lượng lớn, những ngày đầu huấn luyện do sức khỏe hạn chế nên khả năng phối hợp, hiệp đồng còn khó khăn, chưa nhịp nhàng. Nhưng được cán bộ đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, động viên, hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác, tôi cùng các đồng đội dần làm quen và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Sau mỗi ngày tập luyện vất vả, các chiến sĩ vẫn tranh thủ học thêm ngoài giờ để nắm vững tính năng, kỹ thuật, chiến thuật.
Tại khu vực huấn luyện pháo BM-21, các pháo thủ miệt mài luyện tập nội dung “Khẩu đội chấp hành khẩu lệnh bắn”. Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Khỏe, Khẩu đội trưởng, Trung đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 cho biết: “Quá trình huấn luyện pháo BM-21 có nhiều thao tác phức tạp, đòi hỏi tính hiệp đồng rất cao. Vì vậy, mỗi chiến sĩ phải rèn luyện thành thục vị trí các số theo chức trách, nhiệm vụ được giao và sẵn sàng thay thế nhau khi cần thiết”. Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng kiểm tra sát sao phần thực hành, tăng dần độ khó, liên tục sửa tập, rút kinh nghiệm qua từng đề mục. Nhiều năm liền khi cấp trên kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả huấn luyện, đơn vị đều đạt điểm giỏi; tham gia các hội thi, hội thao đều giành giải cao.
Tiếp nối chặng đường lịch sử vẻ vang của Đoàn Pháo binh Bến Hải Anh hùng, dù ở bất cứ nơi đâu, thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào, Lữ đoàn đều hoàn thành xuất sắc, xây đắp nên truyền thống “Kiên cường - Tự lực - Đánh giỏi - Bắn trúng”.
Bài, ảnh: Trung Anh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/lu-doan-164-quan-doan-12-tiep-noi-trang-su-hao-hung-postid409805.bbg