Năm 2024, Lữ đoàn 962 tham gia diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh An Giang với 2 hình thức chiến thuật “Phục kích địch vu hồi đường sông” và “Tập kích địch tạm dừng”. Lần đầu tiên đơn vị tổ chức diễn tập 2 hình thức chiến thuật cùng lúc và kinh nghiệm từ cuộc diễn tập này giúp Lữ đoàn đề ra nhiều nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện năm 2025.
Cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện nắm chắc các trang thiết bị hàng hải.
Thượng tá Lê Hoàng Minh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 962 cho biết: “Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao, hoàn thiện năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ về chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí hủy diệt lớn; địa hình, thời tiết phức tạp; tình huống khó khăn, cấp bách nguy hiểm… Đồng thời, Lữ đoàn xây dựng, tổ chức huấn luyện Tổ bắn USV (phương tiện mặt nước không người lái) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện tác chiến mới. Qua đó, giúp bộ đội được cọ xát thực tế chiến đấu, hoàn thiện kỹ năng, phản ứng nhanh khi có tình huống”.
Kinh nghiệm rút ra từ Diễn tập KVPT tỉnh An Giang giúp cho Tiểu đoàn 1 đề ra nhiều biện pháp huấn luyện mới trong năm 2025. Đại úy Đoàn Công Hậu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cho biết: “Chúng tôi sử dụng 4 tàu để tham gia diễn tập và nhận thấy khả năng hiệp đồng giữa các tàu chưa nhịp nhàng. Do đó, đơn vị tập trung huấn luyện hiệp đồng, phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong điều kiện địch tác chiến điện tử hoặc phạm vi hoạt động rộng, mất khả năng liên lạc. Qua huấn luyện sát thực tế, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ vào khả năng, cách đánh của ta, tin tưởng vào các loại vũ khí trong biên chế”.
Huấn luyện sử dụng SMPK 12,7mm trên Tàu ST-294, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 (Quân khu 9).
Theo Đại úy Lê Trung Ý, Thuyền trưởng Tàu ST-294, Tiểu đoàn 1, muốn đơn vị huấn luyện giỏi trước hết cán bộ chỉ huy phải giỏi. “Tôi chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ giáo án mình phụ trách; kịp thời khắc phục những hạn chế trong huấn luyện được rút ra từ năm trước. Bên cạnh đó, xuất phát từ một vài thuyền trưởng, kinh nghiệm huấn luyện ít, tôi đã tham mưu với cấp trên bồi dưỡng cho anh em về biên soạn giáo án, tổ chức, phương pháp huấn luyện trước khi lên lớp”, Trung Ý nêu kinh nghiệm.
Giúp bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị (VKTB) còn là mục tiêu huấn luyện được Đại đội SPG-9 hướng đến. Đại úy Trương Hoàng Trọng Hiếu, Đại đội trưởng Đại đội SPG-9 cho biết: “Nhiệm vụ của đơn vị là bắn các mục tiêu mặt nước, chi viện cho các tàu và bộ binh tiến công địch. Quá trình huấn luyện, tôi hướng dẫn kỹ cho bộ đội những động tác kỹ thuật cơ bản, hình thành kỹ năng xác định phần tử bắn vào mục tiêu, thao tác tầm, hướng và sử dụng thành thạo các thiết bị được biên chế theo súng, pháo. Với phương châm “sai đâu sửa đó”, sửa trực tiếp đến từng người, khi pháo thủ đã lấy đúng phần tử, thao tác bắn, tôi tiếp tục cho anh em tập chậm, sau đó tập nhanh dần cho đến khi thuần thục”.
Huấn luyện trong hầm máy.
Phát huy vai trò cán bộ, nhân viên nhiều kinh nghiệm trong tổ chức luyện tập còn được Tiểu đoàn 1 thực hiện nghiêm túc. Thiếu tá Phạm Minh Thái, nhân viên hàng hải Tàu 18-41-08, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 có hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ trên tàu, nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật của từng loại VKTB. “Trên tàu được trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có súng phóng lựu AGS-17 kèm theo giá hiệu chỉnh đường ngắm. Qua các lần bắn đạn thật trên biển, tôi nhận thấy kết quả bắn các loại súng khác chưa cao, do đó tôi tham mưu với chỉ huy đơn vị vận dụng giá hiệu chỉnh đường ngắm súng AGS-17 để hiệu chỉnh các loại hỏa lực khác. Từ đó, tôi cải tiến“Giá kiểm tra và hiệu chỉnh kính ngắm quang học súng B41 gắn trên chân súng AGS-17”, nhờ vậy kết quả bắn đạn thật hàng năm đơn vị luôn đạt giỏi trong đó có bài bắn súng B41”, anh Thái chia sẻ.
Huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí trên tàu còn mục tiêu quan trọng được Lữ đoàn chỉ đạo chặt chẽ. Bởi quá trình bắn, tàu luôn ở trạng thái cơ động, trong điều kiện sóng, gió làm phương tiện luôn dao động với biên độ lớn, đường ngắm dễ sai lệch, người bắn chủ yếu là sử dụng lượng bắn đón… ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả các bài bắn.
Huấn luyện sử dụng các thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
“Để khắc phục những khó khăn trên, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ huấn luyện phải tuân thủ đúng trình tự các khâu, các bước, từ lên lớp lý thuyết làm cho người bắn nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của từng loại vũ khí có trong biên chế đến tổ chức luyện tập phân đoạn, tập tổng hợp, bắn tập khi tàu cơ động. Khi luyện tập, cán bộ huấn luyện phải xác định được yêu cầu, chỉ tiêu, định mức cần đạt được trong từng giai đoạn, từng buổi tập. Trước mỗi buổi tập, khi phổ biến ý định cần nhấn mạnh vào các yêu cầu, chỉ tiêu để người tập phấn đấu đạt được. Kết thúc mỗi buổi tập phải tổng hợp so sánh đối chiếu kết quả luyện tập với yêu cầu, chỉ tiêu đã xác định để đánh giá chất lượng luyện tập của từng người, đồng thời rút ra kinh nghiệm cho những buổi luyện tập tiếp theo”, Thượng tá Lê Hoàng Minh nêu biện pháp.
Kết quả từ việc xác định rõ biện pháp huấn luyện và khâu đột phá được phản ánh rõ nét là diễn tập vòng tổng hợp kết hợp bắn đạn thật trên biển cho 2 tiểu đoàn tàu năm 2017, 2018, 2020, 2022, 2023, 2024 đều đạt 100% khá, giỏi.
Bài, ảnh: HỮU TÀI