Vào cuối tuần qua, Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) đã ghi nhận 21 thảm họa khí tượng thủy văn trên toàn quốc, bao gồm lũ lụt và lở đất, với 11 sự cố tập trung ở vùng đô thị Jakarta. Ít nhất 3 người thiệt mạng, gần 10.000 người phải di dời, hơn 2.300 ngôi nhà bị ngập và hàng chục ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng.
Nhiều khu vực ở vùng đô thị Jakarta đối mặt với lụt lội nghiêm trọng. Ảnh: Tempo
Mưa lớn liên tục vào tháng 7, thường là mùa khô của Indonesia, khiến các cơ quan khí tượng và chuyên gia phải điều chỉnh dự báo mùa khô của nước này. Trái ngược với dự báo vào tháng 3 vừa qua, đầu tháng 7 chỉ có 30 % các vùng, theo mùa, bước vào mùa khô.
Lượng mưa bất thường trong năm nay là do gió mùa yếu của Australia, thường mang lại mùa khô ở Indonesia. Gió mùa yếu cùng với nhiệt độ bề mặt biển ấm bất thường ở phía nam đất nước, gây ra những trận mưa lớn. Chuyên gia về khí hậu Dicky Edwin Hindarto nhận định, các thảm họa khí tượng thủy văn là triệu chứng rõ ràng của biến đổi khí hậu do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.
Ông cũng chỉ ra tần suất mưa lớn ngày càng tăng ở vùng đô thị Jakarta, một hiện tượng từng hiếm gặp trước trận lũ lịch sử năm 2019, khiến hơn 2.000 người phải sơ tán. Cơ quan khí tượng dự báo những trận mưa bất thường này có thể tiếp tục cho đến tháng 10 trên nhiều khu vực, bao gồm vùng đô thị Jakarta.
Ngoài Vùng đô thị Jakarta, Nam Sulawesi cũng bị lũ lụt, với nước tràn vào hơn 1.200 ngôi nhà ở huyện Bantaeng và làm hư hại đường sá, bờ kè sông. Tây Java cũng báo cáo nhiều vụ lở đất. Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia đang tính đến kế hoạch điều chỉnh thời tiết, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, kêu gọi chính quyền địa phương và người dân luôn cảnh giác.
Trái ngược với lũ lụt, tình trạng khô hạn đã gây ra cháy rừng ở một số khu vực của Sumatra. Ít nhất 47 héc ta đất đã bị thiêu rụi trên khắp Tây Aceh, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 7.
Phạm Hà/VOV-Jakarta