Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: Quốc Hùng - TTXVN
Ngày 22/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm xảy ra như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng ở nhiều khu vực. Chính quyền và người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ " (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
*Từ 22-25/5, biên độ lũ trên các sông Bắc Bộ, Thanh Hóa từ 2-5mNhận định về tình hình lũ, sáng 22/5, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, từ đêm 22/5 đến 25/5, trên sông Thao, sông Lô, các sông nhỏ ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Mực nước hạ lưu sông Thao, sông Lô ở dưới mức báo động 1.Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1.
Hiện nay, mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, các sông ở Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp dưới báo động 1.
Lũ trên các sông, suối có thể gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 6 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút ngày 22/5, khu vực tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.
Đối với các biện pháp công trình, cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước.
Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.
Đối với các biện pháp phi công trình, cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.
Quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.
Cùng với đó là điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ như thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất...
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh như: Xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.
Ngoài ra, mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh.
Từ 2 giờ đến 5 giờ ngày 22/5, khu vực tỉnh Lâm Đồng đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to như: Đạ Kho 68mm, Đạ Tẻh 31,8mm,... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
*Từ Nghệ An đến Phú Yên nắng nóng gay gắt
Thông tin về tình hình nắng nóng, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Hữu Thành cho biết, ngày 22/5, ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%, thời gian nắng nóng từ 12-16 giờ. Cảnh báo nắng nóng diện rộng trên khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên từ ngày 23/5 có xu hướng dịu dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
"Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa:, ông Nguyễn Hữu Thành lưu ý.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân và cộng đồng.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.
Người dân cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi...
Ngày 21/5, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như: Con Cuông (Nghệ An) 38 độ C, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 37,6 độ C, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 37,2 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ C,... Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%.
Từ ngày 4-7/5, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, riêng ngày 5-6/5, nắng nóng mở rộng xuống Ninh Thuận. Nhiệt độ cao nhất ngày trong các đợt nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thời gian qua phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C như: Yên Châu (Sơn La) 39,6 độ C, Phù Yên (Sơn La) 39,5 độ C, Sông Mã (Sơn La) 39,3 độ C, Quỳ Châu (Nghệ An) 39,8 độ C, Con Cuông (Nghệ An) 40 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 39,7 độ C,…
Tại khu vực Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ đã xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, trong đó tại Nam Bộ nắng nóng diện rộng chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Trong thời kỳ qua, trên cả nước một số trạm khí tượng đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ tháng 3-4/2025.
Thắng Trung/Bnews/vnanet.vn