Lựa chọn cán bộ khi tinh giản: Góc nhìn từ Thanh Hóa

Lựa chọn cán bộ khi tinh giản: Góc nhìn từ Thanh Hóa
một ngày trướcBài gốc
Trong lịch sử, phần lớn các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã trải qua quá trình thay đổi địa giới hành chính, bao gồm sáp nhập hoặc tách ra trong các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, có một số tỉnh, thành phố vẫn giữ nguyên ranh giới kể từ khi được thành lập mà chưa từng bị sáp nhập với địa phương nào khác, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, Thanh Hóa cùng 10 đơn vị cấp tỉnh khác được giữ nguyên gồm: TP. Hà Nội, TP. Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mặc dù chưa từng bị sáp nhập, chia tách hay đổi tên, nhưng tỉnh Thanh Hóa lại có một bề dày kinh nghiệm trong sắp xếp, lựa chọn cán bộ ở lại, tiếp tục đảm nhiệm công việc ở bộ máy mới. Địa phương này được xem là nằm ở top đầu các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua.
Đúng người, đúng việc, đúng năng lực
Theo lịch sử hình thành tỉnh Thanh Hóa ở thời hiện đại đến khoảng năm 1969, số lượng cán bộ, biên chế tại tỉnh Thanh Hóa tăng chóng mặt. Bước sang năm 1970, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phải thực hiện tinh giản bộ máy, giảm biên chế để nâng cao hiệu quả công tác đối với cán bộ, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ.
Để sắp xếp số cán bộ dôi dư nhằm tinh gọn bộ máy, phù hợp với tình hình hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra chủ trương chuyển những cán bộ có năng lực chuyên môn yếu nhưng lại giỏi sản xuất thì sang làm công việc sản xuất trực tiếp. Với những cán bộ, công nhân khoa học kỹ thuật đang làm trái ngành, trái nghề thì làm ngành nghề cũ hoặc đưa về cơ sở sản xuất.
Rồi đến những giai đoạn sau, việc sắp xếp cán bộ, tinh gọn bộ máy cũng được tỉnh Thanh Hóa thực hiện, chú trọng đến việc chọn người đúng việc, đúng người, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cán bộ có bằng cấp và cán bộ hoạt động từ thực tiễn. Những cán bộ mất sức, sức khỏe không đảm bảo và đến tuổi nghỉ hưu thì giải quyết về hưu theo chế độ, chính sách hiện tại.
Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên phát triển sản xuất, vì vậy những cán bộ chưa có đủ năng lực, kinh nghiệm hoặc chưa được đào tạo bài bản có thể được nghỉ hưu sớm, tạo điều kiện cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực nhằm phục vụ nhiệm vụ mở rộng sản xuất và dịch vụ.
Đến năm 1992, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Giai đoạn này, Thanh Hóa hướng đến số lượng biên chế phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị, địa bàn.
Để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế và để lựa chọn giữ lại những cán bộ “tinh túy”, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo khách quan, dân chủ; phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cán bộ có bằng cấp và cán bộ hoạt động từ thực tiễn, có năng lực làm việc.
Những cán bộ không được lựa chọn giữ lại, đủ năm công tác thì được giải quyết chế độ không cần giám định y khoa. Những cán bộ khác đủ điều kiện cũng được giải quyết chế độ 1 lần hoặc bố trí công việc chờ nghỉ hưu.
Khoảng giai đoạn 2008, việc lựa chọn cán bộ được tỉnh Thanh Hóa thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và uy tín. Ưu tiên những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực quản lý và có tinh thần trách nhiệm cao.
Yếu tố then chốt là hợp tình hợp lý, công khai, minh bạch
Tại Hội nghị lần thứ sáu vào tháng 10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thanh Hóa là một trong những địa phương đã và đang triển khai nghiêm túc, bài bản nghị quyết này.
Một góc TP. Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Huy
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã mới, giảm 76 xã; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Với kết quả này, Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW khi giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, địa phương này cũng đã thực hiện thành công việc nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố) và 547 đơn vị hành chính cấp xã.
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận về tinh gọn bộ máy, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm với nhiệm vụ mới. Đây thực sự là nhiệm vụ nhiều khó khăn và phức tạp.
Bài toán về sắp xếp cán bộ dôi dư ở giai đoạn trên đã được tỉnh Thanh Hóa giải thành công dựa trên chủ trương, tinh thần phải công khai, minh bạch; phải giải quyết hợp lý, hài hòa, nhân văn giữa chế độ chính sách cho cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy sau sắp xếp.
Huyện Đông Sơn được sáp nhập về TP. Thanh Hóa vào cuối năm 2024. Ảnh: Minh Hiếu
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các đơn vị thực hiện sắp xếp; làm công tác tư tưởng để vận động, thuyết phục cán bộ nghỉ hưu trước tuổi; khuyến khích bầu công chức đảm nhận chức danh cán bộ ở những nơi mới thành lập, bố trí công chức kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách và cương quyết không bố trí các trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn.
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện tại, việc sắp xếp, lựa chọn cán bộ là ưu tiên hàng đầu phải thực hiện. Tỉnh Thanh Hóa sẽ lựa chọn những cán bộ đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết vì dân, đảm bảo công tâm, khách quan và đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ tương xứng với tình hình, nhiệm vụ mới.
Để việc lựa chọn cán bộ được công khai, minh bạch, tỉnh Thanh Hóa kiên quyết loại bỏ những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không để xảy ra tình trạng cán bộ vừa mới quy hoạch, bổ nhiệm lại bị xử lý vào bộ máy mới.
Đồng thời sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.
Việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ khi tinh gọn bộ máy không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là bài toán phức tạp đòi hỏi sự minh bạch, công bằng và hợp tình, hợp lý, nhân văn. Thanh Hóa, với kinh nghiệm qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã cho thấy cách làm bài bản, khoa học, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Bằng việc chọn đúng người, giao đúng việc và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra một bộ máy vận hành hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Quốc Huy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/lua-chon-can-bo-khi-tinh-gia-n-goc-nhin-tu-thanh-hoa-381008.html