Lựa chọn cây xanh đô thị như thế nào để phù hợp với Thủ đô?

Lựa chọn cây xanh đô thị như thế nào để phù hợp với Thủ đô?
2 giờ trướcBài gốc
Qua việc hơn 40.000 cây xanh trên địa bàn Hà Nội gãy, đổ, bật gốc sau bão số 3, trong đó loại trừ lý do bất khả kháng là thiên tai, còn có một số vấn đề mà các đơn vị chăm sóc, duy trì và bảo vệ cây xanh có thêm những đánh giá, kinh nghiệm đúc rút.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc thành phố phải chủ động lựa chọn, phát triển các loài cây phù hợp với đô thị, từng bước thay thế cho cây hư hỏng, cây già cỗi không còn phù hợp (rễ nổi, tán lớn và nặng).
Cây xanh gãy đổ sau bão số 3
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cây chính là 1 trong những yếu tố tạo ra bản sắc đô thị, nên việc trồng cây cần tổ chức khảo sát kỹ, bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm để bố trí, chọn cây phù hợp.
"Có những loài cây chúng ta đưa về trồng khi chúng ta chưa thử nghiệm, chúng ta trồng vị trí không phù hợp như giải phân cách hẹp dưới gầm đường sắt trên cao…", kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn nói.
Cũng theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, các tuyến phố nhỏ, vỉa hè bé, như phố Lý Nam Đế lại được trồng cây lớn như xà cừ sẽ khiến cây chiếm hết vỉa hè, mọc lệch tán, gây nguy cơ mất an toàn. Chưa kể, có cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão, nhưng khó phát hiện bằng mắt thường.
Hơn 40.000 cây xanh gãy đổ sau bão số 3
Theo lưu ý của các chuyên gia, tiêu chí chọn loại cây trồng tại thành phố Hà Nội là loài có thân thẳng, thân cây không có gai và nhựa mủ độc, có độ phân cành từ 3m trở lên. Cây có hệ rễ khỏe, rễ cọc ăn sâu, rễ tỏa đều, chịu được mực nước ngầm cao và ngập úng tạm thời. Cây có thớ gỗ dai, khó gãy cành, chịu cắt tỉa; hoa quả không hấp dẫn côn trùng làm ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ cây phải dài, 50 năm trở lên và có tốc độ tăng trưởng trung bình. Ngoài ra, cây có hình dáng đẹp, có tán đẹp hoặc hoa đẹp, lá có màu sắc thay đổi theo mùa. Đặc biệt, cây phải thích nghi với đặc điểm tự nhiên và môi trường đô thị Hà Nội, như đất đai bị nén chặt, không gian dinh dưỡng hẹp, bề mặt bê tông hóa, nghèo dinh dưỡng, mực nước ngầm cao, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Điểm, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng: "Hà Nội cần được phủ xanh và tích hợp đa giá trị. Trong đó việc lựa chọn chủng cây phù hợp với Hà Nội rất quan trọng".
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) Lưu Đức Hải, quy hoạch cây xanh đô thị giúp thành phố Hà Nội có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy tác dụng. Tuy nhiên, việc ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch cây xanh phải có tầm nhìn dài hạn.
"Trong quy hoạch của chúng ta 2 bên đường đều có cây xanh. Những cây ấy phải đủ độ che phủ bóng mát và giảm nhiệt độ. Như chúng ta đã biết ở dưới cây xanh nhiệt độ giảm 6 đến 10 độ so với ngoài trời", ông Lưu Đức Hải cho biết.
Lựa chọn cây đô thị phù hợp là bài toán cấp thiết đặt ra lúc này. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, vừa qua, Sở Xây dựng đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố. Nhiều chỉ dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học đang được ngành chức năng tổng hợp, nghiên cứu như việc cần khảo sát chi tiết, thống kê số lượng, vị trí, phân tích điều kiện sinh trưởng của từng chủng loại cây.... để từ đó xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây già cỗi.
Huy Nam/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/lua-chon-cay-xanh-do-thi-nhu-the-nao-de-phu-hop-voi-thu-do-post1123318.vov