Lựa chọn cuộc đời

Lựa chọn cuộc đời
12 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa INT.
Thời điểm này, bên cạnh những em có chiến thuật, biết cách sắp xếp nguyện vọng hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường mình yêu thích, còn không ít em loay hoay chưa biết chọn ngành gì, học trường nào. Có thí sinh còn cho biết: “Em đăng ký đại, miễn sao đỗ đại học, rồi tính sau”.
Đăng ký đại, học đại... đại học không phải câu chuyện mới. Thực tế các đợt tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp những năm qua cho thấy còn nhiều học sinh và phụ huynh đặt mục tiêu quan trọng là đỗ vào một trường đại học chứ không phải chọn ngành/nghề. Vì thế, cả thí sinh và cha mẹ không dành nhiều thời gian tìm hiểu về nghề nghiệp, về xu hướng việc làm và những lĩnh vực liên quan, chỉ tập trung đầu tư cho việc học tập, cốt có điểm cao và trúng tuyển đại học.
Tình trạng này đã dẫn đến hệ lụy là có nhiều sinh viên vào được giảng đường nhưng không có kỹ năng thích nghi, quản lý thời gian giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Một số em sau khi đạt được mục tiêu đỗ đại học thì không xác định được mục tiêu tiếp theo, mất định hướng và động lực để tiếp tục cố gắng, theo đuổi việc học.
Thông tin từ các trường đại học cho thấy nhiều sinh viên vì học đại đại học đã không thể lấy được bằng tốt nghiệp, thậm chí phải dừng học giữa chừng sau 1 - 2 năm. Trong tỷ lệ sinh viên bỏ học từ 10 - 15%/năm ở các trường chiếm phần lớn là những em không tìm hiểu rõ ngành học, chọn bừa khi đăng ký xét tuyển. Những người may mắn tốt nghiệp được thì cũng khó theo đuổi được chuyên ngành đã học.
Kết quả nghiên cứu từ nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành trên 24%. Trong đó, nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%.
Một khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (trước đây) cho thấy, khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài; trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.
Đăng ký xét tuyển đại học là khâu đầu tiên trên con đường hướng nghiệp, vì thế thí sinh cần hết sức nghiêm túc, cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành nghề. Năm nay những thay đổi trong tuyển sinh chủ yếu liên quan đến khâu kỹ thuật xét tuyển, do vậy, cơ hội trúng tuyển cho thí sinh không giảm đi, việc đỗ được đại học không quá khó khăn.
Vấn đề quan trọng là thí sinh phải xác định được ngành/nghề phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Nếu chọn được ngành/nghề hợp mà điểm thi không đủ cao để vào đại học, thí sinh có thể mạnh dạn ứng tuyển vào trình độ thấp hơn như cao đẳng, trung cấp.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý III/2024, có hơn 2/3 (tức khoảng 64%) tổng số người lao động đi tìm việc có trình độ đại học, nhưng số vị trí việc làm đáp ứng tiêu chí này chỉ chiếm 1/5 (khoảng 20%).
Hầu như doanh nghiệp chỉ tuyển trình độ cao đẳng (chiếm 23%), trung cấp (19%), sơ cấp (24%) và lao động phổ thông (15%). Giáo dục nghề nghiệp đang khá rộng cơ hội việc làm, cơ chế liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học cũng rộng mở. Đây là hướng đi thí sinh có thể cân nhắc thêm, không nhất thiết phải bằng mọi giá vào đại học và... học đại.
Mai Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/lua-chon-cuoc-doi-post739952.html