Hơn trăm lượt khám trong ngày, từ tư vấn, điều trị đến chỉ định nhập viện, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K gần như không có lấy một phút ngơi nghỉ.
Trong dòng người xếp hàng ấy có chàng trai dáng người nhỏ, ăn mặc giản dị đứng nép vào góc tường, liên tục nhìn vào bên trong. Anh chờ khi phòng khám thưa bớt, anh lặng lẽ bước vào, đặt hai quyển sổ khám bệnh lên bàn, rưng rưng.
“Mẹ tôi khám tuần trước, đọc kết quả nội soi và phim chụp, mọi người trong nhà đều thấy có chữ "ung thư giai đoạn cuối", ai cũng sốc. Tôi xin bác sĩ, nếu được, bác sĩ ghi vào quyển sổ mới này chẩn đoán nhẹ hơn chút, đừng ghi rõ là giai đoạn cuối. Tôi chỉ muốn động viên mẹ, để mẹ tin là bệnh còn chữa được, còn hy vọng”, chàng trai cúi đầu, giọng khẩn khoản nói.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Hà Hải Nam gặp rất nhiều tình huống khó xử.
Trước mặt bác sĩ Nam là sổ khám với kết quả cận lâm sàng rõ ràng: Ung thư dạ dày, di căn gan, phổi, phúc mạc, giai đoạn muộn. Tiên lượng rất xấu. Chỉ định điều trị hóa chất giảm nhẹ triệu chứng.
Chàng thanh niên mong bác sĩ viết lại mà không thay đổi bản chất điều trị nhưng đủ để người mẹ có thể chấp nhận một phần sự thật.
Khoảnh khắc ấy, trong suy nghĩ của bác sĩ Nam có hai kịch bản. Một là đồng ý, như một hành động nhân văn để người mẹ có thể sống trong hy vọng. Hai là từ chối ghi lại sổ khám mới, bởi bác sĩ không thể bẻ cong sự thật, nhất là trong hồ sơ bệnh án, một tài liệu pháp lý, không được phép gian dối.
Không giáo trình nào hướng dẫn bác sĩ phải lựa chọn thế nào giữa "tình" và "lý". Từ chối là đúng, là nguyên tắc nghề nghiệp, nhưng đồng ý là cho người bệnh cơ hội sống tốt hơn trong những ngày cuối cùng. Chỉ là một dòng chữ, nhưng với người mẹ ấy, có thể là cả chặng đường.
Trước lời khẩn cầu của người nhà bệnh nhân, tim bác sĩ Nam như thắt lại. Bao nhiêu năm cầm dao mổ, đọc kết quả sinh thiết, đưa ra những tiên lượng sống – chết, nhưng lần nào đối diện với ánh mắt người nhà bệnh nhân, anh cũng nghẹn lòng.
Bác sĩ Nam nhìn quyển sổ khám mới, tay cầm bút, ngập ngừng. Một bên là sự thật lạnh lẽo, một bên là niềm tin mong manh của một người mẹ, sống nhờ từng câu nói hy vọng từ con mình.
Trong y học, hành vi bác sĩ phối hợp với người nhà để che giấu thông tin cho bệnh nhân được gọi là “sự thông đồng”. Ở các quốc gia phương Tây, nguyên tắc quyền tự quyết của người bệnh yêu cầu bác sĩ phải minh bạch mọi thông tin liên quan đến chẩn đoán và phương án điều trị, giúp bệnh nhân chủ động trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp.
Ngược lại, tại nhiều nước châu Á, người thân lại giữ vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định. Họ thường thay mặt bệnh nhân tiếp nhận và xử lý thông tin với mong muốn tránh cho họ cảm giác suy sụp hay tuyệt vọng.
Thực tế, trong môi trường bệnh viện, đặc biệt là ở lĩnh vực ung bướu, nhiều người thân vẫn xem việc thông báo chẩn đoán ung thư cho bệnh nhân là không cần thiết. Điều này xuất phát từ định kiến rằng ung thư đồng nghĩa với “án tử”, là chấm dứt mọi cơ hội sống còn và giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, các nghiên cứu từ nhiều trung tâm điều trị ung thư trên thế giới lại cho thấy điều ngược lại, phần lớn bệnh nhân muốn được biết rõ tình trạng bệnh của mình.
Các chuyên gia nhận định, bác sĩ và gia đình thường đánh giá thấp khả năng đối diện sự thật của bệnh nhân. Trên thực tế, việc công khai chẩn đoán không làm trầm trọng thêm tâm lý người bệnh, mà ngược lại, còn có thể tạo điều kiện để họ hợp tác tốt hơn trong điều trị, từ đó cải thiện tiên lượng.
Điều quan trọng là giúp người bệnh hiểu rằng ung thư là bệnh ác tính, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, cơ hội kiểm soát và khỏi bệnh là rất khả quan. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, từ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đến liệu pháp miễn dịch, ung thư không còn là dấu chấm hết như quan niệm xưa.
Như Loan