Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 15/11, việc công bố danh sách nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên làn sóng lo ngại trong giới ngoại giao châu Âu, đặc biệt là sau khi những cái tên gây tranh cãi được đề cử vào các vị trí quan trọng.
Ban đầu, giới ngoại giao châu Âu tỏ ra nhẹ nhõm khi ông Trump chọn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio làm ngoại trưởng. Tuy nhiên, niềm hy vọng này nhanh chóng tan biến sau khi các vị trí còn lại được công bố.
Đặc biệt gây chú ý là việc lựa chọn Pete Hegseth, một người dẫn chương trình của kênh Fox News, vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và cựu nữ nghị sĩ Dân chủ Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo quốc gia.
Bà Nathalie Loiseau, cựu Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp và hiện là nghị sĩ châu Âu, đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trên mạng xã hội X: "Điều này thực sự đáng sợ".
Việc ông Trump lựa chọn bà Gabbard gây ra phản ứng mạnh mẽ nhất. Bà từng nổi tiếng với việc lan truyền các thuyết âm mưu, gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar Assad và ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ba ngày sau cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, bà Gabbard còn kêu gọi các bên "tiếp thu tinh thần aloha" (sống trong hòa bình và hợp tác cùng với nhau) và đề xuất Ukraine trở thành quốc gia trung lập.
Ông Marek Magierowski, cựu Đại sứ Ba Lan tại Mỹ, nhận định trên truyền hình Ba Lan: "Khi bà ấy (Gabbard) trở thành người đứng đầu toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ, đây chắc chắn là một tín hiệu rất đáng lo ngại".
Trong khi đó, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch Tiểu ban An ninh và Quốc phòng của Nghị viện châu Âu, tuyên bố: "Thời kỳ kiềm chế của châu Âu và hy vọng rằng Mỹ sẽ bảo vệ chúng ta đã qua rồi".
Dù vậy, một số chuyên gia vẫn đánh giá tích cực về việc bổ nhiệm ông Marco Rubio. Tom Tugendhat, nghị sĩ bảo thủ Anh, người quen biết ông Rubio trong một thập kỷ qua, ca ngợi ứng cử viên chức ngoại trưởng Mỹ là một "nhân vật nghiêm túc" và là "tiếng nói rõ ràng" về các vấn đề như Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ CH Séc Pavel Fischer cũng đánh giá cao vai trò của ông Rubio trong việc tập hợp các nhà lập pháp thế giới đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại rằng không ai trong nội các mới ở Mỹ có thể kiềm chế được ông Trump. Một nhà ngoại giao EU giấu tên nhận định: "Điều rõ ràng là sẽ không có bất kỳ đối trọng nào với ông Trump. Họ nợ ông ấy mọi thứ".
John Bolton, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của chính quyền Trump đầu tiên, đã cảnh báo vào tháng 10 vừa qua rằng chính sách đối ngoại của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ cấp tiến hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu. Ông Bolton còn nhận định "khả năng ông Trump rút Mỹ khỏi NATO là rất cao".
Trước tình hình này, châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Một nhà ngoại giao EU cho biết khối này phải sẵn sàng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine: "Chúng tôi biết từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các chính sách có thể khó lường như thế nào", vị này nói thêm.
Về phần mình, chuyên gia François Heisbourg từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Chúng ta sẽ phải trải qua vài năm rất, rất khó khăn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo politico)