Lừa đảo bằng công nghệ Deepfake biến hóa liên tục

Lừa đảo bằng công nghệ Deepfake biến hóa liên tục
4 giờ trướcBài gốc
Nếu người dân không nâng cao cảnh giác thì rất dễ “sập bẫy”, bởi thủ đoạn của tội phạm sử dụng Deepfake hết sức tinh vi và bài bản.
Trong trường hợp của bà Đặng Thị Mai tại Hà Đông, vì tin vào hình ảnh mờ ảo, giọng nói quen thuộc trong cuộc gọi video là em gái mình, bà Mai đã rút hết tiền trong sổ tiết kiệm để gửi cho kẻ lừa đảo. Ngay cả khi được Công an giải thích, bà Mai vẫn không thể tin, các đối tượng này có thể giả mạo tinh vi đến vậy.
Bà Mai chia sẻ: "Tôi nghe điện thoại thì thấy hình ảnh mờ, mạng yếu nhưng đúng giọng của em gái tôi. Em bảo tôi rút sổ tiết kiệm để trả nợ cho một người khác, tôi đi ra ngân hàng làm theo".
Thiếu tá Nguyễn Văn Chuyền - Phòng 6, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - cho biết: "Công nghệ phát triển, tội phạm phát triển, giả mạo khuôn mặt, giọng nói để gọi. Khi người dân nhìn thấy hình ảnh người thân, giọng nói thân quen thì dễ dàng tin tưởng, thực hiện các hành vi theo chỉ dẫn".
Không chỉ nhằm vào những người dân thiếu hiểu biểu, thời gian gần đây, liên tiếp nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước tại các tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng, Trà Vinh… bị cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các đoạn video, hình ảnh nhạy cảm. Sau đó, các đối tượng giả danh thám tử tư để nhắn tin, gọi điện, đe dọa chuyển tiền.
Theo Bộ Công an, các đối tượng nhắm đến nạn nhân là người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội. Nếu nạn nhân không chịu giao tiền, chúng sẽ chuyển các ảnh và clip đã thu thập được lên các trang mạng xã hội, các website, gửi tới gia đình, cơ quan nơi nạn nhân làm việc.
Deepfake đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh mạng Việt Nam, nơi tội phạm mạng thường sử dụng các cuộc gọi video Deepfake để mạo danh một cá nhân và vay mượn người thân, bạn bè của họ những khoản tiền lớn cho những trường hợp cấp bách. Người dân cần đề cao cảnh giác, không nóng vội đưa ra quyết định khi đánh vào tâm lý là “cái bẫy” do các đối tượng đặt ra.
Đồng thời, khi nhận được các cuộc gọi video, cần trò chuyện ít nhất trên một phút để xác nhận rằng người mình đang nói chuyện là người thật chứ không phải giả mạo hay cắt ghép.
Khi sử dụng mạng xã hội, người dân không nên để lộ nhiều thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư, tránh bị các đối tượng lợi dụng đưa vào kịch bản lừa đảo.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lua-dao-bang-cong-nghe-deepfake-bien-hoa-lien-tuc-305600.htm