Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp

Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp
4 giờ trướcBài gốc
Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2024, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cũng đã báo cáo về tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù thủ đoạn không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhất là lừa đảo trên không gian mạng.
Trong đó, phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng thông qua hình thức tạo lập website giả danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là một trong các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 15%. Các đối tượng lập website giả mạo Cổng dịch vụ công quốc gia, ngân hàng để thu thập dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng của bị hại. Sau đó sử dụng để gọi điện, nhắn tin lừa đảo, giả mạo các doanh nghiệp lớn có uy tín, sàn thương mại điện tử với các thông tin lừa đảo như huy động vốn có lãi suất cao, tuyển dụng, mua bán hàng hóa, chiết khấu cao làm nhiệm vụ kiếm tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Triển khai các biện pháp phòng ngừa
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội.
Cụ thể là phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Công an xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng. Bộ cũng đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật…
Văn bản cho biết Bộ Công an đang triển khai hàng loạt biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Cụ thể như, Bộ Công an đã và đang phối hợp triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “sim rác", xác thực tài khoản ngân hàng, xác thực sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet. Hạn chế các trường hợp sử dụng vào mục đích lừa đảo; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Ngành Công an cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, thông báo toàn quốc số điện thoại đường dây nóng (0692.345.860) của Cục Cảnh sát hình sự là đầu mối tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng đó, xây dựng cơ chế phối hợp nhanh, khẩn cấp truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là chia sẻ xác minh thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Nâng cao cảnh giác khi sử dụng công nghệ
Bộ Công an đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thông qua các buổi tiếp xúc cử tri phối hợp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định.
Cụ thể, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Cần chủ động ghi lại các thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng... để cung cấp cho cơ quan Công an tổ chức xác minh khi có yêu cầu.
Bộ Công an lưu ý, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh của bản thân, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Văn bản cũng đề nghị người dân thận trọng khi nhận các thư điện tử, tin nhắn. Không nhấp vào đường link hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định. Nếu nhận được tin nhắn vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền từ tài khoản của người thân (tin nhắn qua các ứng dụng OTT) thì cần xác nhận lại thông tin.
Bộ Công an đề nghị người dân kiểm tra kỹ thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến (chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao). Website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức "https").
Đặc biệt, văn bản của Bộ Công an nhấn mạnh: “Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan; không mở hộ tài khoản ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Hành vi mở hộ, bán, cho thuê tài khoản ngân hàng là trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
MAI AN
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lua-dao-tren-khong-gian-mang-ngay-cang-phuc-tap-10293158.html