Nếu như trước đây các đối tượng thường tiếp cận trực tiếp thì hiện tại, đa phần thực hiện theo hình thức gián tiếp, thông qua các cuộc điện thoại hoặc nền tảng công nghệ thông tin. Hằng ngày, người dân thường xuyên nhận những cuộc điện thoại lạ với những lời chào mời làm ăn, thậm chí có nhiều cuộc gọi xưng là từ cơ quan chức năng, yêu cầu phối hợp giải quyết công việc.
Chị L.K.H, Phường 8, TP Cà Mau, kể có nhận cuộc điện thoại từ số máy lạ, tự xưng là cán bộ công an địa phương, thông báo số căn cước công dân của chị gặp một số vấn đề cần phối hợp xử lý. Chị H cảm thấy hoài nghi vì nội dung và cách giao tiếp có nhiều câu chữ thiếu chuẩn mực nên chị từ chối. Thấy khó, người này liên tục đe dọa về tình huống phức tạp khác nếu chị không phối hợp.
Tương tự, anh L.Th.Ð, Phường 6, TP Cà Mau, cũng nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ phường, yêu cầu anh Ð phối hợp cung cấp thông tin để khắc phục lỗi trong căn cước công dân của anh Ð. Không chịu hợp tác, anh Ð cũng bị đe dọa tương tự như trường hợp của chị H.
Với sự tỉnh táo, cả chị H và anh Ð đã không mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Thế nhưng, thực tế có trường hợp chỉ vì sự chủ quan, cũng như nhẹ dạ, cả tin mà bị lừa từ những cuộc điện thoại tương tự. Như trường hợp bà Ng.T.H, Phường 5, TP Cà Mau, chỉ vì tin và làm theo lời của người lạ qua điện thoại mà toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 100 triệu đồng đã “không cánh mà bay”.
Ðể đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngành chức năng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trong tiếp cận các thông tin trên nền tảng số. (Ảnh minh họa)
Bà H kể trước đây có nhận cuộc điện thoại của người lạ xưng là nhân viên bưu điện, nói bà nợ tiền điện hơn 58 triệu đồng và đang chuyển Công an TP Hồ Chí Minh điều tra. Người này cùng với đồng bọn đã tạo dựng ra một câu chuyện pháp lý nhằm đánh vào sự nhẹ dạ của bà. Với mục đích giúp bà xử lý và trả lại sự trong sạch cho bà, nhóm người này yêu cầu bà phối hợp cung cấp thông tin. Ðỉnh điểm là yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản để cơ quan công an xác minh. Sau khi làm theo những yêu cầu trên, cũng như chuyển tiền cho các đối tượng, các số điện thoại liên lạc trước đó đã không còn liên hệ được. Lúc này, bà H mới biết mình bị lừa.
Thiếu tá Huỳnh Nhật Nam, Phó trưởng Công an thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Thời gian qua, địa phương tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh từ người dân về trường hợp những cuộc điện thoại lạ mang tính chất lừa đảo với nội dung thông báo dự tập huấn phòng cháy chữa cháy, yêu cầu phải đóng một khoản tiền, người tham gia tập huấn sẽ được hỗ trợ bình xịt cứu hỏa và cấp chứng chỉ, chứng nhận phòng cháy khi kết thúc tập huấn, giấy có giá trị 5 năm. Nhận thấy đây là dấu hiệu lừa đảo nên công an địa phương đã phát thông báo trong dân cư, nhằm tránh tình trạng bị lừa đảo, trục lợi bất chính".
Thượng tá Ðặng Văn Hữu, Trưởng Công an TP Cà Mau, cho biết: "Tội phạm lừa đảo hiện tại diễn biến phức tạp, chúng sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn nhằm trục lợi bất chính. Ðáng quan tâm là các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi. Trong 9 tháng năm 2024, Công an thành phố tiếp nhận 16 tin báo, đang điều tra 12 vụ tội phạm lừa đảo công nghệ cao".
Lợi dụng hình thức vay tiền trực tuyến qua mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo là một trong nhiều thủ đoạn đã được ngành chức năng nhận diện và công bố.
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn mới, gửi tin nhắn đến cán bộ, công chức, viên chức, người có uy tín... yêu cầu chuyển tiền cho các đối tượng, nếu không sẽ phát tán các hình ảnh, đoạn video clip “nhạy cảm” đến bạn bè, người thân, mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân. Thực chất, các hình ảnh, clip này là giả mạo, do các đối tượng lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra.
Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, TP Cà Mau tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân các quy định của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trên không gian mạng; không đăng tải, chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội; không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc (những ứng dụng không được đăng tải trên App Store, Google Play); cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ; không truy cập các đường dẫn lạ, nhất là các đường dẫn đính kèm từ email không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, nhất là việc dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân của người dân vào các hình ảnh, clip “nhạy cảm ” để đe dọa nạn nhân, nhằm cưỡng đoạt tài sản..., để mọi người biết, chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng xử lý. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện, thành phố thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để người dân dễ dàng tố giác tội phạm.
Theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh ghi nhận 36 vụ lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng, thiệt hại tài sản trên 50 tỷ đồng. Phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi: giả danh cán bộ thi hành pháp luật để đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền; đăng bài tuyển dụng việc làm, tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ, làm việc tại nhà trên các trang mạng xã hội để lừa bị hại tham gia đầu tư; lôi kéo bị hại tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch giả mạo (chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử, đánh bạc...); chiếm đoạt, giả mạo tài khoản mạng xã hội để vay, mượn tiền người thân, bạn bè chủ tài khoản; dụ dỗ tham gia du lịch giá rẻ, sự kiện ảo; giao dịch hàng hóa qua mạng; vay tiền trực tuyến qua mạng xã hội, chuyển tiền nhầm vào tài khoản, làm thủ tục vay tín chấp...; cài đặt ứng dụng (app), chiếm quyền điều khiển thiết bị...
Văn Ðum