Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại khoảng 18.900 tỷ đồng

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại khoảng 18.900 tỷ đồng
4 ngày trướcBài gốc
Mới đây, chị Mai Thị Thu Hà (phường Định Công, quận Hoàng Mai) trình báo, sau khi nhận cuộc gọi của một người tự xưng là công an quận đề nghị hỗ trợ làm căn cước cho con của chị và ngay khi vừa ấn vào một ứng dụng lạ, chị Hà đã bị đánh cắp gần 500 triệu đồng trong tài khoản.
Một trường hợp khác cũng đã bị đánh cắp mất hơn 300 triệu đồng trong tài khoản sau khi nhận được cuộc gọi và làm theo hướng dẫn của đối tượng để sửa thông tin bị sai trên căn cước cho con gái. Chỉ đến khi kiểm tra tài khoản, nạn nhân mới hốt hoảng biết mình đã bị lừa bởi chị hoàn toàn không thực hiện thao tác chuyển tiền. Nạn nhân cho biết: “Có người gọi điện cho em xưng là công an quận, nói dấu vân tay của 2 con nhà em bị mờ nên hướng dẫn em làm lại. Sau đó, em thiếu cảnh giác nên thao tác theo và hệ thống đã tự động trừ tiền trong tài khoản của em, trong khi em không thực hiện thao tác chuyển tiền".
Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 158 tỷ đồng bằng hình thức mạo danh công an. Nhóm đối tượng này chỉ cần dụ dỗ nạn nhân truy cập vào ứng dụng giả mạo thì ngay lập tức, toàn bộ thông tin cá nhân, nhận dạng sinh trắc học của nạn nhân sẽ bị đánh cắp. Từ đó, chúng âm thầm truy cập vào tài khoản ngân hàng rút hết tiền trong tài khoản của bị hại.
Tuy hình thức lừa đảo mạo danh công an đã cũ, lực lượng chức năng cũng liên tục đưa ra các cảnh báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mới sập bẫy.
Trung tá Nguyễn Minh Hoàn, phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: “Thời gian qua, thủ đoạn mạo danh lực lượng chức năng vẫn diễn biến phức tạp bởi các lý do: việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, các đối tượng thường xuyên thay đổi thủ đoạn, các đối tượng thường đánh vào tâm lý thiếu hiểu biết để lừa đảo”.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về Dân cư - Bộ Công an khẳng định, việc cập nhập, liệu chỉnh sửa đổi thông tin trong cơ sở dân cư hiện nay cũng đang phân cấp, chỉ có cấp cơ sở (công an các phường, xã, thị trấn) là có thể cập nhật, chỉnh sửa nên người dân phải trực tiếp đến trụ sở công an cấp cơ sở để cập nhật thông tin thay đổi của mình và phải có xác nhận của công an cơ sở. Người dân cần lưu ý, cán bộ công an khi muốn làm việc với người dân sẽ làm việc trực tiếp thông qua giấy mời, không có trường hợp cán bộ công an yêu cầu hoặc hướng dẫn người dân cài app từ các đường link không rõ ràng.
Lực lượng chức năng khuyến cáo, mỗi người dân phải chủ động nâng cao kiến thức, cảnh giác trước mọi sự tiếp cận của người lạ, không tùy tiện cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân... có như vậy mới ngăn chặn, hạn chế điều kiện phát sinh của loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lua-dao-truc-tuyen-gay-thiet-hai-khoang-18900-ty-dong-292379.htm