Mất cả gia tài từ một cú click
Có những trường hợp bị lừa đảo rất khó tin chỉ sau một cuộc điện thoại. Một nạn nhân đã mất gần cả tỷ đồng sau khi nhận được cuộc gọi từ đối tượng mạo danh cán bộ công an. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin căn cước công dân qua một đường link. Sau khi nhấn vào link và làm theo hướng dẫn, toàn bộ số dư trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị chiếm đoạt, gồm tiền mặt trong tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm online và cả hạn mức rút từ thẻ.
Trên thế giới cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo với các chiêu thức khác nhau với số tiền vô cùng lớn. Vào tháng 02/2024, một nhân viên tài chính của một công ty đa quốc gia tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị lừa chuyển 25 triệu đô-la Mỹ cho các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng đã sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra một cuộc họp video giả mạo với sự xuất hiện của giám đốc tài chính và các đồng nghiệp quen mặt. Chỉ một tuần sau đó, nạn nhân mới phát hiện ra mình đã bị lừa.
Những "nguyên tắc vàng" để phòng, tránh bị lừa đảo
Hay như vụ việc một cặp vợ chồng lớn tuổi tại thành phố Duluth, bang Minnesota, Mỹ đã mất sạch 49.000 đô-la tiết kiệm cả đời chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút. Họ nhận được tin nhắn giả mạo từ ngân hàng và sau đó cung cấp mã xác minh cho kẻ lừa đảo, dẫn đến việc mất toàn bộ tiền tiết kiệm.
Theo Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TPHCM, đặc điểm nổi trội của tội phạm sử dụng công nghệ cao là thường sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Viber, Messenger để gia tăng các hoạt động phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng lợi dụng, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động tội phạm như mại dâm, tổ chức đánh bạc, cũng như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng không gian mạng, hoạt động tín dụng đen...
Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và tinh vi, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu về các tài khoản ngân hàng vi phạm. Khi khách hàng của mình có nguy cơ chuyển tiền vào những tài khoản có rủi ro như thế này thì các ngân hàng sẽ có hoạt động cảnh báo để khách hàng có thông tin và lựa chọn có quyết định chuyển tiền hay không chuyển tiền".
Chiêu thức lừa đảo của tội phạm là thiên biến vạn hóa, nhưng về bản chất có thể nắm rõ ở một số vấn đề lớn, như không cài ứng dụng lạ, không nghe những lời "đường mật" đầu tư lợi nhuận cao... Lực lượng an ninh mạng đưa ra khuyến cáo quan trọng cho người dân: "Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc tin nhắn. Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu cập nhật thông tin hoặc chuyển tiền khẩn cấp. Luôn xác minh lại thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào".
Chương trình "An toàn số: Cuộc chiến không ngừng" phát trên HTV
Thông tin giả mạo ngày càng khó lường
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ - Đại tá Hà Trọng Thà, Trưởng Khoa An ninh chính trị nội bộ, Trường Đại học An ninh Nhân dân - Bộ Công an, vấn đề không gian mạng là vấn đề rất quan trọng bởi vì được xem là miền thứ năm của chiến trường, bên cạnh vùng trời, vùng biển, vùng đất liền và không gian vũ trụ. Tất cả quốc gia hiện nay đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, vấn đề an ninh mạng được xem là vấn đề rất phức tạp, gay go.
Các chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ A.I. tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn.
Nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn nạn lừa đảo trực tuyến, Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đã sản xuất chương trình bình luận "An toàn số: Cuộc chiến không ngừng". Chương trình gồm 5 tập, mỗi tập 25 phút, tập trung vào một khía cạnh cụ thể của vấn đề lừa đảo trực tuyến: Tập 1: Ma trận mã độc: Tìm hiểu về các thủ đoạn phổ biến để chiếm đoạt tài sản thông qua việc lừa người dùng nhấp vào các đường link độc hại. Tập 2: Thao túng tâm lý: Phân tích cách thức các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý nạn nhân qua các cuộc gọi điện thoại. Tập 3: Khi AI. tiếp sức: Khám phá vai trò của trí tuệ nhân tạo (A.I.) trong các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Tập 4. Telegram: Mặt trái ẩn giấu: Cảnh báo về việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin bảo mật cao như Telegram trong các hoạt động phạm tội. Tập 5. Cuộc chiến không khoan nhượng: Giới thiệu vai trò quan trọng của lực lượng an ninh mạng và trách nhiệm của nhà báo trong cuộc chiến chống lại tội phạm mạng.
Cách thức đối phó với nạn lừa đảo trực tuyến thường xuyên được cập nhật trên mạng xã hội
Chương trình không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về các phương thức lừa đảo mới nhất, mà còn đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp người xem bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa trực tuyến. Các vụ việc không chỉ ở trong nước, mà còn cập nhật và tổng hợp, phân tích với thông tin báo chí quốc tế, để khán giả có cái nhìn toàn diện. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, luật pháp và công nghệ, "An toàn số: Cuộc chiến không ngừng" được đội ngũ kỳ công chuẩn bị và thực hiện trong 6 tháng, mong muốn góp một phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ bản thân trong không gian mạng, đồng thời chia sẻ thông tin hữu ích này đến bạn bè và người thân, góp phần xây dựng một cộng đồng mạng an toàn và lành mạnh. Khán giả có thể xem lại toàn bộ chương trình này trên kênh YouTube "HTV Tin tức".
KHẮC LÃM - TIỂU VY