Lựa đường trước ngã rẽ

Lựa đường trước ngã rẽ
2 ngày trướcBài gốc
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN
Sau chặng dừng tại Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ đối tác khu vực, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc diễn ra ngày 24/7, đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Nhưng thay vì là một dịp kỷ niệm mang tính biểu tượng cho mối quan hệ song phương lâu dài, hội nghị năm nay lại phản ánh rõ những khác biệt ngày càng sâu sắc, trong bối cảnh thương mại, chuỗi cung ứng và cuộc xung đột tại Ukraine phủ bóng lên mọi nỗ lực xây dựng lòng tin.
“Đối tác” - “Đối thủ hệ thống”
Năm 2019, EU lần đầu tiên chính thức định danh Trung Quốc trong “Tầm nhìn Chiến lược” với 3 vai trò song hành: “đối tác hợp tác”, “đối thủ cạnh tranh” và “đối thủ hệ thống”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nhấn mạnh vào cụm từ “đối thủ hệ thống” không chỉ phản ánh sự thay đổi nhận thức, mà còn vô tình làm lu mờ các lợi ích chung và cản trở khả năng đối thoại xây dựng.
Ông Gerhard Stahl, cựu Tổng Thư ký Ủy ban khu vực của EU, cảnh báo: “Nếu EU thực sự muốn trở thành một cực quyền lực độc lập trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở nguyên tắc và lợi ích lâu dài, chứ không phải chỉ dựa vào định kiến hay liên kết chiến lược với Mỹ”. Phát biểu này phản ánh băn khoăn sâu sắc trong nội bộ EU: liệu châu Âu có thể duy trì tính tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt?
Quan hệ song phương EU - Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục đối mặt với các thách thức lớn. Việc Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) bị đình trệ bởi tranh cãi về nhân quyền, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, cùng sức ép từ Mỹ đã khiến lòng tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng.
Phía EU lo ngại sâu sắc về mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc, mà Brussels cho là các doanh nghiệp được trợ cấp, thị trường mở cửa hạn chế và quy tắc cạnh tranh thiếu minh bạch. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng EU đang áp dụng tiêu chuẩn kép, bỏ qua nỗ lực cải cách của Trung Quốc và ngày càng siết chặt sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu dưới danh nghĩa “an ninh quốc gia”. Bất đồng giữa hai bên còn lan sang các vấn đề chiến lược như Đài Loan, vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay cuộc xung đột tại Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa phát biểu với báo giới tại Osaka, Nhật Bản, ngày 22/7/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Giữa đôi dòng nước
Trước thực tế đó, EU đang đứng giữa hai lựa chọn khó khăn: Tiếp tục đồng hành với Mỹ trong chính sách đối đầu với Trung Quốc, hay cố gắng xác lập một lập trường riêng, dựa trên hợp tác có điều kiện và đối thoại nguyên tắc.
Ông Stahl cho rằng để không bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu giữa các cường quốc, EU cần chủ động tái thiết lòng tin với Trung Quốc. Cụ thể, cần thúc đẩy tiếp cận thị trường công bằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng hợp tác công nghiệp xanh, đồng thời đóng vai trò kiến tạo trong cải cách các định chế toàn cầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay Liên hợp quốc (LHQ). Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc có thể là đối thủ trong một số lĩnh vực, nhưng cũng là đối tác không thể thiếu trong việc xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) hay đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn”.
Một trong những vấn đề gai góc hiện nay là cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, với mức thâm hụt của EU lên tới hơn 400 tỷ euro năm 2023. Trong khi các doanh nghiệp châu Âu gặp nhiều rào cản tại thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh xuất khẩu nhờ chính sách trợ giá và bảo hộ doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã thẳng thắn nhận định mối quan hệ hiện nay là “mất cân bằng và không bền vững”. Bà kêu gọi Trung Quốc mở rộng tiếp cận thị trường và nới lỏng kiểm soát các vật liệu chiến lược, yếu tố then chốt cho quá trình chuyển đổi số và năng lượng xanh mà EU đang theo đuổi.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc sâu sắc của EU vào Trung Quốc trong các ngành công nghệ sạch, xe điện, nam châm vĩnh cửu và khoáng sản hiếm đang khiến khả năng “thoát Trung” trở nên khó khả thi. Theo chuyên gia Byford Tsang, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), bất kỳ thỏa thuận khí hậu nào với Bắc Kinh cũng tiềm ẩn nguy cơ rơi vào thế bị động về chiến lược, khi đối tác không hoàn toàn đáng tin cậy.
Mặt khác, vấn đề Ukraine tiếp tục là điểm chia rẽ lớn nhất trong quan hệ EU - Trung Quốc. Dù Bắc Kinh tuyên bố trung lập, việc tiếp tục giao thương với các thực thể Nga bị trừng phạt, cung cấp hàng hóa lưỡng dụng và lặp lại một số luận điểm từ Điện Kremlin khiến EU nghi ngờ cam kết “không đứng về bên nào” của Trung Quốc. Động thái của Brussels khi đưa một loạt công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt mới nhất đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng, EU đang cố gắng điều chỉnh chiến lược của mình để vừa tránh bị lôi kéo vào thế đối đầu toàn diện, vừa bảo vệ lợi ích an ninh và kinh tế.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này không còn là dịp kỷ niệm đơn thuần, mà là thời điểm kiểm nghiệm thực tế: hai bên đang đứng ở những ngã rẽ chiến lược khác nhau. Khi Brussels cố gắng dung hòa giữa lợi ích kinh tế và các giá trị địa chính trị, thì Bắc Kinh vẫn kiên định theo đuổi ưu tiên quốc gia riêng.
Đối thoại, dù vẫn cần thiết, không còn là chiếc chìa khóa vạn năng như trong quá khứ. Nếu không xây dựng được cơ chế điều phối lợi ích dựa trên sự tôn trọng và cam kết cụ thể, quan hệ EU – Trung Quốc sẽ tiếp tục rơi vào thế đối đầu mềm, bất chấp nửa thế kỷ gắn bó.
Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Brussels)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lua-duong-truoc-nga-re-20250724061827758.htm