'Lửa thử vàng' - Sản lượng quý 3 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự báo tăng 14%

'Lửa thử vàng' - Sản lượng quý 3 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự báo tăng 14%
6 giờ trướcBài gốc
Bất chấp các thách thức, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát dự kiến sẽ tiếp tục hồi phục tích cực, đặc biệt là trong quý 4 - cao điểm xây dựng.
Trong quý 2/2024, sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã tăng 15,6% so với quý 1/2024 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 2,3 triệu tấn.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ thị trường nội địa khi sản lượng bán hàng trong nước tăng tới 31,6% so với quý 1/2024 và tăng 40,5% so với quý 2/2023. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu giảm 19% so với quý 1/2024, do xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) giảm.
Biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hòa Phát cũng được duy trì ở mức tốt 13,3% trong quý 2/2024, nhờ giá bán trung bình (APS) và chi phí đầu vào được kiểm soát khá ổn định.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Maybank, sự phục hồi sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát sẽ “tạm thời chững lại” trong quý 3/2024 so với quý 2/2024 do đây là mùa thấp điểm của hoạt động xây dựng nhưng so với cùng kỳ năm 2023, dự kiến sản lượng sẽ vẫn tăng 14% mặc dù chịu sức ép lớn từ thép giá rẻ Trung Quốc.
Về triển vọng thời gian tới, sự chậm lại của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay và các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng trên toàn cầu đối với các sản phẩm thép đã làm gia tăng lo ngại về triển vọng xuất khẩu của Tập đoàn Hòa Phát cũng như các doanh nghiệp thép khác.
Tuy nhiên, Chứng khoán Maybank nhấn mạnh các tác động trên đối với Tập đoàn Hòa Phát là yếu tố có thể kiểm soát được. Cụ thể, với vị thế đầu ngành, Tập đoàn Hòa Phát đang có chi phí sản xuất thấp và vẫn hưởng lợi từ các mức nền giá mới tại các thị trường xuất khẩu tạo nên từ xu hướng bảo hộ.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Dựa trên biên độ giá, các nước thường áp dụng mức thuế chống bán phá đối với các sản phẩm thép Trung Quốc cao hơn đáng kể so với các sản phẩm thép Việt Nam. Nhờ vậy, sức cạnh tranh của sản phẩm thép của Tập đoàn Hòa Phát sẽ được củng cố.
Điển hình, Chứng khoán Maybank nhận định việc Thái Lan áp thuế chống bán phá giá lên tới 30,91% với sản phẩm HRC Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm HRC của Tập đoàn Hòa Phát thâm nhập thị trường này.
Trong khi đó, Canada vừa ban hành mức thuế chống bán phá tạm thời đối với sản phẩm dây thép Trung Quốc là từ 50,9% - 71,1%, cao hơn gấp nhiều lần so với mức 13,5% - 17,7% đối với sản phẩm cùng loại của Tập đoàn Hòa Phát.
Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường nội địa đang phục hồi tích cực sẽ là bệ đỡ vững chắc cho kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát trong thời gian tới.
Tựu chung lại, Chứng khoán Maybank đánh giá các khó khăn hiện tại chỉ tác động tiêu cực đến Tập đoàn Hòa Phát trong ngắn hạn và sẽ đem lại lợi ích trong dài hạn. Tính đến các yếu tố ngắn hạn, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát có thể đạt 11.593 tỷ đồng, và tăng thêm 28% trong năm 2025 đạt 14.8400 tỷ đồng.
Lan Anh
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/lua-thu-vang--san-luong-quy-3-cua-tap-doan-hoa-phat--hpg--du-bao-tang-14-127801.htm