'Luân chuyển' các nhà khoa học để tăng cường kết nối với doanh nghiệp

'Luân chuyển' các nhà khoa học để tăng cường kết nối với doanh nghiệp
10 giờ trướcBài gốc
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “Nghị quyết số 57-NQ/TW (NQ57) của Bộ Chính trị là nghị quyết rất quan trọng bởi nghị quyết đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về gắn các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội với phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (viết tắt là KHCN)".
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Bùi Tuấn)
Cần có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học
- Thưa PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ là một mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết. Theo ông, cần có những giải pháp nào để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Đã có nhiều bài viết về Nghị quyết 57 (NQ57) nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến 2 nội dung: đào tạo nguồn nhân lực thực hiện NQ57 và tạo động lực để mọi người có thể tham gia phát triển KHCN”.
Theo báo cáo của Eurostat, năm 2023, châu Âu có 71,8 triệu người trong độ tuổi 25–64 làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tương đương khoảng 9 người trên mỗi 10.000 dân. Trong khi đó, theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, năm 2020, Việt Nam chỉ có khoảng 7 người trên mỗi 10.000 dân tham gia lĩnh vực này. Điều đó cho thấy lực lượng lao động trong khoa học – công nghệ của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của châu Âu. Nếu muốn đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, Việt Nam cần có các biện pháp gia tăng số lượng nhân lực trong lĩnh vực này.
Một trong những giải pháp quan trọng là thu hút lao động từ các ngành khác chuyển sang làm việc trong lĩnh vực KHCN thông qua chính sách ưu đãi về thu nhập, thuế, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, không chỉ số lượng, mà chất lượng nhân lực – bao gồm trình độ chuyên môn và kinh nghiệm – cũng đóng vai trò then chốt. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn là một chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này.
Về dài hạn, cần có chiến lược phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trong nước. Nhưng trong ngắn hạn, Việt Nam có thể thu hút nhân tài quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia gốc Việt đang làm việc tại các nước phát triển. Điều này đòi hỏi sự cải thiện trong thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam, cùng với các chính sách hấp dẫn về lương thưởng, ưu đãi thuế, hỗ trợ nhà ở và thậm chí là bổ nhiệm vào các vị trí quản lí có liên quan.
Chẳng hạn, vào đầu những năm 2000, khi tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ (Postdoc), nước Mỹ đã triển khai chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học đến từ Nga, Trung Quốc và một số nước Đông Âu nhằm thu hút nhân tài. Trong khi đó, các nhà khoa học từ các quốc gia khác như Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế lên đến 30%. Đây là một ví dụ điển hình về cách chính sách thuế có thể tác động mạnh mẽ đến việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Một trong những giải pháp quan trọng là thu hút lao động từ các ngành khác chuyển sang làm việc trong lĩnh vực KHCN thông qua chính sách ưu đãi về thu nhập, thuế, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến (Ảnh: Bùi Tuấn)
“Luân chuyển” các nhà khoa học
- Sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu là điểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết. Ý kiến của ông về các mô hình hợp tác này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Chúng ta thường nhận xét rằng sự kết hợp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Vậy làm thế nào để gắn bó nghiên cứu với doanh nghiệp? Câu trả lời có thể là “luân chuyển” các nhà khoa học. Ở các nước đã làm tốt việc này, một nhà khoa học có thể luân chuyển đến các doanh nghiệp vài tháng hoặc vài năm mà không ảnh hưởng gì đến quá trình công tác của họ.
Ví dụ, một giảng viên của Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN có thể làm việc ở JICA như một chuyên gia, như một giảng viên đại học, để sau một thời gian ông ấy có thể làm việc như một kĩ sư ở một doanh nghiệp Nhật Bản. Việc thay đổi vị trí công việc không chỉ không ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến mà còn giúp giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn do ở các vị trí khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên chuyên môn.
"Thông lệ ở các đại học nghiên cứu trên thế giới cho phép các giảng viên có một kì thực tập (sabatical) ở bất kì nơi nào họ muốn mà vẫn nhận lương đầy đủ. Việc luân chuyển giúp các nhà khoa học trao đổi các thông tin học thuật với nhau và với doanh nghiệp để luôn cập nhật và làm mới tri thức. Israel là một ví dụ cho thấy sự luân chuyển liên tục giữa quân sự và dân sự đã xây dựng một quốc gia lấy KHCN làm trọng tâm để tiến đến trình độ quốc tế" - PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.
- Vậy theo ông, chúng ta nên có chiến lược như thế nào để tạo dựng và mở rộng phát triển thị trường khoa học và công nghệ?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Thị trường khoa học công nghệ là một vấn đề khó giải quyết. Ngoài sự trông đợi từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp có nhu cầu cao về KHCN với trình độ vừa phải. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ đóng góp không quá 10% GDP thấp hơn nhiều các nước như Đài Loan.
Nhiều nước mở rộng thị trường KHCN quốc tế. Nếu thế, nhân lực KHCN phải có chất lượng rất cao. Các nghiên cứu, sáng chế phải có tính nguyên bản và hữu ích không chỉ trong nước mà còn nhắm đến các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, các nhà khoa học Việt Nam hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học làm việc ở nước ngoài để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, trình độ cao ngày càng nhiều. Đó là một cách tốt để mở rộng thị trường KHCN.
Với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, các trường đại học bắt buộc thay đổi về căn bản nội dung và phương thức đào tạo (Ảnh: Bùi Tuấn)
Đào tạo theo cá thể hóa
-Theo ông các trường đại học có vai trò như thế nào trong việc đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Vai trò của các trường đại học rất quan trọng ở 2 khía cạnh: phát hiện, đào tạo nhân lực và trực tiếp tham gia nghiên cứu và sáng tạo KHCN.
Khi KHCN thay đổi nhanh thì nội dung đào tạo cần phải thích ứng nhanh với sự thay đổi đó. Tôi nói điều này có vẻ như trái ngược với logic thông thường là thay vì thay đổi liên tục nội dung đào tạo thì các trường đại học nên dạy các vấn đề cốt lõi, bản chất, nền tảng để dựa trên đó đưa các nội dung cập nhật như Stem vào những giai đoạn cuối cùng của quá trình đào tạo. Nội dung đào tạo có thể gồm 3 phần: khoa học cơ bản, công nghệ nền tảng, khoa học nhân văn.
Khoa học cơ bản như toán học, vật lí, hóa học, vật liệu, sinh học… đã từng là những ngành thu hút được nhiều sinh viên giỏi thì nay không còn nữa. Các công nghệ nền tảng như lí thuyết thông tin, điện, điện tử, công nghệ vật liệu, xây dựng, luyện kim,… cũng gặp tình trạng tương tự. Do đó việc khuyến khích sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ là cần thiết.
Hiện nay, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ sinh viên có xu hướng học các ngành khoa học xã hội cao hơn nhiều các ngành khoa học tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt các tài năng KHCN. Việc thay đổi phương pháp học, phương pháp thi và trên hết, làm cho người học thấy được mục tiêu thật sự của việc học là để tiếp thu tri thức, kĩ năng, thái độ quan trọng hơn điểm số và bằng cấp là rất quan trọng.
Ví dụ, trong các kì thi Olympic toán học quốc tế, Việt Nam xếp 8 thế giới. Trong khi cường quốc toán học là Pháp đứng thứ 21 thế giới. Nhiều em tiếp tục học toán ở bậc đại học nhưng các môn cơ bản khác như vật lí, hóa học, sinh học thì không được như vậy. Các em từ bỏ thế mạnh của mình để học các ngành khác. Việc theo học các ngành kinh doanh, quản lí là cần thiết nhưng nếu tất cả các sinh viên xuất sắc hàng đầu về khoa học cơ bản đều từ bỏ ngành học của mình thì sẽ là vấn đề lớn.
Một giải pháp là hạn chế truyền thông các bước trung gian mà tập trung vào truyền thông cho những người tạo ra các sáng tạo công nghệ cuối cùng. Chúng ta thường xuyên thấy truyền thông nói một học sinh đạt học bổng ở các trường đại học danh tiếng. Điều đó là xứng đáng để vinh danh. Nhưng cũng nên tập trung cho các nhà khoa học, công nghệ đã có các công trình, sản phẩm quan trọng cho xã hội và thế giới. Ví dụ AlphaGeometry sử dụng AI để giải toán các bài toán do các kĩ sư người Việt ở Google Deepmind năm 2024.
Ngoài đào tạo, các giảng viên còn trực tiếp tham gia nghiên cứu và chuyển giao KHCN. Để các nghiên cứu có ý nghĩa thì việc kết hợp các nhà khoa học với nhau, các nhà khoa học với các doanh nghiệp và các nhà quản lí là rất quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: "Các trường đại học chấp nhận giảng dạy online, giảng dạy, kiểm tra và đánh giá với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Nếu các công cụ hỗ trợ đó giúp các giảng viên và sinh viên có các tri thức giống nhau thì phương thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá phải tiến tới các tri thức cá thể hóa cho từng người".
Chú trọng các môn khoa học cơ bản để là cơ sở nắm bắt các công nghệ tương lai (Ảnh: Bùi Tuấn)
-Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý giáo dục, theo ông các trường đại học cần có những thay đổi gì trong chiến lược phát triển và định hướng nghiên cứu để bắt kịp xu thế theo định hướng của Nghị quyết 57?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, các trường đại học bắt buộc thay đổi về căn bản nội dung và phương thức đào tạo. Về nội dung, chú trọng các môn khoa học cơ bản để là cơ sở nắm bắt các công nghệ tương lai. Cụ thể là thay đổi chương trình đào tạo và đề cương môn học theo hướng dạy nguyên lí, bản chất, phương pháp khoa học, ý nghĩa, hiện đại. Phát triển các công nghệ nền tảng như điện, điện tử, vật liệu, cơ khí, sinh học, nông nghiệp… tiến tới xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới như vật liệu mới, khoa học thần kinh, kết nối người-máy,…
Đặc biệt là trong xu thế máy móc thay thế con người trong nhiều hoạt động thể chất và tư duy thì duy trì và phát triển các môn học về nhân văn như triết học, văn hóa, lịch sử, đạo đức,… lại càng trở nên cần thiết. Mạng xã hội xóa nhòa ranh giới cá nhân, dân tộc thì các môn học nhân văn mang đến các giá trị riêng có cho các đối tượng này.
Về phương thức đào tạo, các trường đại học chấp nhận giảng dạy online, giảng dạy, kiểm tra và đánh giá với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Nếu các công cụ hỗ trợ đó giúp các giảng viên và sinh viên có các tri thức giống nhau thì phương thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá phải tiến tới các tri thức cá thể hóa cho từng người. Đào tạo theo cá thể hóa phù hợp với trình độ, mong muốn, sở thích của người học là xu hướng của người học. Giảng dạy tri thức liên ngành lại là xu hướng của người dạy. Như vậy cả người dạy và người học đều cần thay đổi, và sự thay đổi này là căn bản và nhanh chóng.
Nghị quyết 57 đã nêu rõ, ba vấn đề lớn cần vượt qua: thể chế, nhân lực và hạ tầng cần phải phát triển nhanh và đồng bộ (Ảnh: Bùi Tuấn)
Tìm ra các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh
- Thưa ông, thách thức lớn nhất trong việc triển khai các mục tiêu của Nghị quyết 57 đối với nền khoa học Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng là gì? và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua những thách thức đó để thực hiện thành công đột phá trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Nghị quyết 57 đã nêu rõ, ba vấn đề lớn cần vượt qua: thể chế, nhân lực và hạ tầng cần phải phát triển nhanh và đồng bộ. Đã có nhiều bài phân tích về các vấn đề nêu trên. Ở đây tôi muốn đi sâu vào một số chi tiết quan trọng. Đó là tìm ra các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh, mang lại giá trị gia tăng cho nhiều người. Ngoài các vấn đề đã được đề cập nhiều như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đường sắt cao tốc, điện hạt nhân,…
Đối với các lĩnh vực này, ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này không chỉ tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp FDI mà còn có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh quốc tế.
Phần lớn người dân Việt Nam đang sống dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Việt Nam có lợi thế phong cảnh du lịch rất đẹp, con người thân thiện và có tinh thần phục vụ cao, nền y tế cũng ở mức khá tốt, cuộc sống không đắt đỏ. Do đó, nếu áp dụng KHCN trong lĩnh vực này như phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, chế biến gia công thực phẩm ở mức độ tinh, có giá trị gia tăng lớn thì không chỉ gia tăng các chỉ số KHCN mà phần đông người dân được hưởng lợi từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta biết đến California ở khía cạnh công nghệ bán dẫn chứ không biết rằng đó cũng là bang đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến thủy hải sản với doanh thu vài trăm tỉ USD bởi KHCN cao đã được tích hợp trong toàn bộ các quá trình sản xuất ở các lĩnh vực khác nhau.
Phát triển KHCN ở các doanh nghiệp tư nhân ở các lĩnh vực trên, nơi có nhiều lao động sẽ là động lực để huy động nguồn lực của cả xã hội.
- Xin trân trọng cám ơn PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/luan-chuyen-cac-nha-khoa-hoc-de-tang-cuong-ket-noi-voi-doanh-nghiep-post405389.html