Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy
Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng11/2024
“Sa môn bất kính vương giả” là một luận điểm quan trọng trong “Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên - Huế”(1) của thầy Tuệ Sỹ. Đại ý rằng người xuất gia thì không cúi đầu trước vương gia hầu tước.
Nói cách khác, người xuất gia không thể bị chi phối bởi quyền lực, không phải hạ mình với bất cứ ai, mà trái lại phải hướng đến tâm thái tịch tĩnh, rỗng lặng như hư không.
Kỳ thực, luận điểm này bắt nguồn từ Đại sư Tuệ Viễn(2) khi ông viết tác phẩm “Sa môn bất kính vương giả luận” (沙 門 不 敬王 者 論)(3) để trả lời cho triều đình, trước sức ép của nhà cầm quyền đòi hỏi hàng Sa môn phải lễ bái quốc vương. Trong đó Đại sư đã nêu rõ: “Lý do tại sao giới Sa môn không cần phải lễ kính hàng vương hầu”, điều này đã bác lại “thái độ hống hách cửa quyền của giới quan lại đương thời buộc tăng sĩ Phật giáo phải lễ lạy họ”(4).
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng đời sống sinh hoạt của người xuất gia khác xa và siêu việt hơn mọi sinh hoạt của đời sống thế tục. Đặc biệt ông cho rằng “người thể nhận được Phật pháp không nên tùy thuận thế tục”.(5)
Tâm thái “Sa môn bất kính vương giả”, một lần nữa, được biểu hiện qua câu chuyện của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma(6) khi ông có cuộc hội kiến với Lương Vũ Đế vào năm 527.
Lúc nhà vua bộc lộ trăn trở: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- “Tại sao không công đức?”
- “Bởi vì những việc vua làm là nhân ‘hữu lậu’, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”
- “Vậy công đức chân thật là gì?” Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Không biết."(7)
Rõ ràng, nếu như sợ phật lòng nhà vua thì Tổ Đạt Ma đã nói khác, chứ không như tát nước vào mặt vua vậy. Tất nhiên, ở đây ông hoàn toàn nói theo pháp, nói dựa trên sự liễu ngộ của chính mình. Đây rõ là tinh thần của Sa môn, không động trước hoàn cảnh, không khiếp nhược trước bất cứ ai. Và khi đã là “hư không” thì hoàn toàn rỗng lặng, không còn những cử chỉ chớp mắt, cúi đầu trước phàm phu như những con người thế tục.
Cần minh định rằng tâm thái “bất kính vương giả” không đồng nghĩa với thái độ coi thường, thiếu tôn trọng với bậc vương hầu (rộng ra là những nhà cầm quyền), mà là thái độ đúng mực, vẫn giữ được mình mà không gây phiền người. Tức người tu không đánh mất đi phẩm hạnh, cốt cách; giữ gìn đúng giới luật, phòng hộ được sáu căn; đồng thời không tạo ra những ác nghiệp, gây bức xúc phiền não cho người khác. Nếu có những nghiệp bất thiện, chỉ bởi người thế tục chưa chế ngự được tham sân si ở họ mà thôi.
Nhưng làm thế nào để giới tăng lữ trong một đất nước lại có thể đứng ngoài sự quản lí của nhà nước?
Điều này hẳn nhiên là không thể. Tôn giáo là một thành tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng của một hình thái nhà nước. Từ xưa tới nay, ở bất cứ nơi đâu, tôn giáo với tổ chức của nó luôn chịu sự quản lí, điều hành bởi một thiết chế nhất định. Nếu không, một tổ chức tôn giáo trong nhà nước ngay lập tức sẽ có vai trò như một nhà nước, xa hơn sẽ li khai thành một nhà nước độc lập.
Cái hay là, đạo Phật với những tính chất đặc thù, đặc biệt, lối sống viễn ly, người tu sĩ phải tách khỏi những sinh hoạt của đời sống thế tục mới có thể dễ đạt đến sự giải thoát. Đó là lí do họ phải xuất gia, sống đời sống không gia đình, du hóa khất thực, và hành trì thiền định. Hiểu rõ những điều này, những bậc minh quân mộ đạo hay một số thiết chế ưu việt đã trao cho giới tăng lữ trong đất nước có những quy chế riêng biệt cốt thể hiện sự tôn kính với Tam bảo, đồng thời tạo điều kiện cho tăng chúng giảm những phiền não từ các hoạt động thế tục, để họ có thể toàn tâm đi trên con đường cầu đạo, giải thoát.
Như trong lịch sử nước ta, thời Trần, năm 1308, sau khi Thiền sư Pháp Loa được Điều ngự Trần Nhân Tông trao chức trụ trì chùa Siêu Loại và được chọn là vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, vua Trần Anh Tông đã sai Trung thư Thị lang Vương Công Trứ cấp độ điệp cho Pháp Loa, tức xác nhận ông trở thành người nối dòng chính thống của thiền phái và không phải bị ràng buộc bởi luật pháp thế tục.(8)
Như vậy, việc trao quy chế đặc biệt cho tu sĩ đạo Phật trong tình huống này hoàn toàn phụ thuộc vào sự anh minh của người đứng đầu nhà nước và cách nhìn trí tuệ của một triều đại.
Tuy không thể đứng ngoài sự cai quản của nhà nước, nhưng bổn phận của giới tăng lữ cần có ý thức gìn giữ môn quy và giới luật. Nếu không duy trì tốt việc này thì đồng nghĩa họ đã đi chệch khỏi tinh thần của Phật giáo. Vì sao như vậy? Vì giới luật nhà Phật không giống như những quy định của pháp luật trong một thiết chế nhà nước. Nó được đức Thế Tôn vạch ra, giúp người tu thực hành để đoạn diệt tham sân si, để gìn giữ sáu căn thanh tịnh, để tâm không còn bị mắc kẹt bởi thân xác… Do vậy, nếu có điểm chung giữa giới luật và pháp luật thì đó chỉ là tính tuân thủ và bình đẳng; còn bản chất và mục đích thì hoàn toàn khác xa, không có bất kì mối liên quan nào.
Có thể nói, chính giới luật là cái ổn định và bền vững nhất để duy trì, kết nối toàn bộ tu sĩ Phật giáo trong suốt 2600 năm, cho dù họ có theo tông phái nào hay những quan điểm giáo lý nhiều chỗ còn hiểu khác nhau. Nó cũng giúp nhận diện, phân biệt giữa tu sĩ đạo Phật với tu sĩ của những tôn giáo khác. Thực tế, kinh Phật dễ khiến tu sĩ, phật tử có nhiều cách hiểu không thống nhất, thậm chí suy diễn sai lệch. Duy chỉ có giới luật là tưởng minh và không dễ để một cá nhân nào có đủ thẩm quyền thay đổi. Chỉ có điều là, người tu có thực hiện đầy đủ các giới đã quy định theo đúng thứ cấp tu hành hay không, hay chỉ nói một đằng làm một nẻo, danh thực bất tương.
Vậy nên, khi một tu sĩ không giữ mình, không có giới hạnh, lại dùng tà thuyết chiêu dụ mê hoặc, thì không còn tư cách làm thầy làm sư, thậm chí còn thấp hơn người thế tục; khi đó họ nhận nhân quả - bị phỉ báng cũng là tất yếu. Còn khi một tổ chức Phật giáo không lấy giới luật làm trọng, không áp giới luật một cách nghiêm khắc, thì trong tăng chúng sẽ xuất hiện rất nhiều phàm tăng, ma tăng, và khi đó hẳn tăng già không còn uy tín, đánh mất đi niềm tin, sự tôn kính của đại chúng phật tử. Đồng thời khi một tổ chức Phật giáo bị chi phối, can thiệp quá sâu bởi nhà nước thì họ sẽ dần rời xa tinh thần cốt lõi của đạo Phật, giới luật bị làm lung lay suy yếu, và cuối cùng chức năng thực hành tôn giáo của tổ chức ấy cũng không còn, mà thay vào đó - thực thi chính trị.
Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy
Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
***
CHÚ THÍCH:
[1] Thư viết ngày 28/10/2003 (PL. 2547).
[2] Tuệ Viễn (慧遠) hay Huệ Viễn, (334 ~ 416), là một Cao tăng sống vào đời nhà Tấn, Trung Hoa.
[3] Gọi tắt là “Bất kính vương giả luận” (不 敬王 者 論). Tác phẩm, 1 quyển, được viết vào đời Đông Tấn, ghi vào “Hoằng minh tập”, quyển 5, trong Đại chính tạng, tập 52.
[4], [5] Trích từ Từ điển Phật học Online (Giáo hội PGVN).
[6] Bồ-đề-đạt-ma (bodhidharma, 菩提達磨), là người Ấn Độ, (~470 - 543). Ông được coi là người truyền bá và sáng lập ra thiền học và võ thuật tới Trung Hoa.
[7] Trích từ Wikipedia.
[8] Thích Phước Sơn (1995),"Vị tổ sư thứ hai của phái Trúc Lâm (được đặc phong Phổ Tuệ Minh Giác Tịnh Trí Đại Tôn Giả", Phần hai.