Nguồn: HNX, SSC, VIS Rating, các tổ chức xếp hạng khác. Đồ họa tư liệu
Trái phiếu bất động sản khởi sắc
Với những thay đổi về pháp lý, cụ thể là Luật Chứng khoán sửa đổi và những tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc kiêm Chuyên gia Phân tích Cấp cao từ Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhận định rằng khung pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỷ luật thị trường đối với tất cả các chủ thể tham gia. Nhờ đó, tính minh bạch thông tin được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tạo nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2024, theo thống kê của VIS Rating, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đạt gần 470.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với quy mô phát hành của năm 2023. Điều này phản ánh sự phục hồi đáng kể của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau giai đoạn khó khăn trước đó.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc niềm tin của nhà đầu tư dần được khôi phục sau những biến động của thị trường trong năm 2022 và 2023, khi tình trạng mất thanh khoản và rủi ro chậm thanh toán trái phiếu gia tăng. Những cải thiện về cơ chế pháp lý và sự ổn định hơn của thị trường đã tạo động lực để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại đà tăng trưởng.
Trong lĩnh vực bất động sản, theo ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc kiêm Chuyên gia Phân tích Cấp cao từ VIS Rating, rủi ro tái cấp vốn đối với các trái phiếu bất động sản có xu hướng giảm dần, nhờ vào việc các chủ đầu tư đang dần khôi phục khả năng tiếp cận nguồn tài chính mới. Điều này đến từ hai nguồn chính gồm tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành trái phiếu mới trong năm 2025. Sự phục hồi này chủ yếu được thúc đẩy bởi những thay đổi trong khung pháp lý và các quy định mới được ban hành theo Luật Chứng khoán sửa đổi.
Theo quan sát của VIS Rating, sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2024, lượng trái phiếu bất động sản phát hành mới đã tăng mạnh trong tháng 12, đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Con số này cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước và cũng tăng nhiều lần so với mức trung bình của 11 tháng trước đó.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng này là việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu, đặc biệt là bảo lãnh từ các ngân hàng. Trong tháng 12/2024, hơn 40% lượng trái phiếu bất động sản phát hành được bảo lãnh bởi ngân hàng, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức khoảng 15% trong suốt 11 tháng trước đó.
Bước sang năm 2025, với những tín hiệu tích cực từ chính sách mới và sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tổ chức tài chính vào hoạt động bảo lãnh, thị trường trái phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Nâng cao niềm tin thị trường
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm đáng kể. Cùng với sự biến động đó, hệ thống pháp lý điều chỉnh thị trường này cũng đã có những bước tiến quan trọng. Đặc biệt, Luật Chứng khoán sửa đổi đã phát huy tốt hơn vai trò bảo vệ quyền lợi của cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát hành, đảm bảo sự công bằng và hài hòa.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là các quy định về minh bạch thông tin và xác thực dữ liệu đã được siết chặt, cùng với yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, giúp nâng cao độ tin cậy và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Những nền tảng này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững và lành mạnh.
Bên cạnh đó, về trung và dài hạn, cần tính đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động của ngân hàng đầu tư. Việc tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro từ thị trường vốn lan sang thị trường tiền tệ. Đây là một bước đi cần thiết để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2025 - 2030, xu hướng đầu tư công lớn vào các dự án trọng điểm sẽ tạo ra nhu cầu vốn khổng lồ, đòi hỏi các nhà thầu phải có khả năng huy động nguồn lực tài chính đáng kể. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, tham gia vào các dự án này sẽ mở ra cơ hội quan trọng để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Đây không chỉ là giải pháp huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trúng thầu, mà còn giúp giảm áp lực lên ngân sách nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường trái phiếu, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững” - ông Tú Anh nhấn mạnh.
Chứng khoán Việt Nam: Cải cách để phát triển bền vững
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp nâng cao kỷ luật thị trường, tăng cường giám sát từ Chính phủ, qua đó tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững. Những cải cách lần này không chỉ củng cố hạ tầng thị trường mà còn nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc kiêm Chuyên gia Phân tích Cấp cao tại VIS Rating
Thu Hương