Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua ngày 14.6.2025 tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nhanh, mạnh và bền vững.
Ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6.2025 của Bộ KH-CN, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ KH-CN) cho biết Luật Công nghiệp công nghệ số đã điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.
Đáng chú ý, luật quy phạm hóa chương trình “Make in Vietnam”, ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam trong các dự án ngân sách nhà nước, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định.
Công nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong phát triển KH-CN hiện nay - Ảnh: Internet
Doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, phát triển mẫu thử, và xúc tiến thương mại quốc tế. Doanh nghiệp FDI được khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh toàn cầu.
Theo ông Lịch, với mục tiêu hình thành 150.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2035, Luật Công nghiệp cng nghệ số đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái công nghệ vững mạnh, thúc đẩy phát triển nhân lực chất lượng cao…
Nỗ lực chuyển mình
Có thể thấy khái niệm “Make in Vietnam” không chỉ là một khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ và sản xuất tại Việt Nam.
Với khát vọng vươn lên trở thành một cường quốc số, Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển mình, từ một quốc gia gia công, trở thành một trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ.
Viettel đã đưa vào sử dụng mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10.2024 - Ảnh: VGP
Chặng đường “Make in Vietnam” đã ghi nhận nhiều dấu ấn đáng tự hào, cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ của người Việt.
Trong đó, với viễn thông và hạ tầng số, Viettel là một trong những ví dụ điển hình nhất. Từ một nhà mạng viễn thông, Viettel đã vươn lên trở thành một tập đoàn công nghiệp - công nghệ hàng đầu, không chỉ phát triển mạng lưới 5G của riêng mình mà còn sản xuất các thiết bị viễn thông và các giải pháp an ninh mạng.
Viettel đã tự chủ được công nghệ 5G và triển khai thành công mạng 5G tại Việt Nam, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Tháng 3.2025, Tổng công ty Viễn thông MobiFone thông báo chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Theo nhà mạng này, trong giai đoạn đầu, dịch vụ 5G sẽ tập trung tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn.
Người dùng cá nhân có SIM 4G và điện thoại hỗ trợ 5G có thể sử dụng ngay dịch vụ trong vùng phủ sóng mà không cần đổi SIM. MobiFone cho biết tốc độ mạng 5G của nhà mạng này có thể đạt tới 1,5 Gbps…
Trong lĩnh vực năng lượng xanh, VinFast - thương hiệu ô tô Việt Nam đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô với việc tập trung vào xe điện và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ… Đây là minh chứng rõ ràng cho khả năng thiết kế, sản xuất và chinh phục thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù còn khá non trẻ trong lĩnh vực thiết bị điện tử và bán dẫn nhưng Việt Nam đang thu hút đầu tư lớn vào sản xuất chip bán dẫn và thiết bị điện tử. Các công ty Việt Nam cũng đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, từ thiết kế đến lắp ráp…
MobiFone triển khai 5G vào tháng 3.2025 - Ảnh: Internet
Thách thức và chìa khóa để các sản phẩm “Make in Vietnam” vươn ra thế giới
Bên cạnh những thành công, lộ trình “Make in Vietnam” vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức cần được khắc phục để đạt được mục tiêu lớn hơn.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công thay vì đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm lõi. Việc thiếu hụt các bằng sáng chế và công nghệ độc quyền vẫn là một rào cản.
Ngoài ra, dù có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào nhưng chất lượng nhân lực công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực mới nổi như AI, big data, blockchain, bán dẫn... còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn còn lớn.
Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, bao gồm quỹ đầu tư, vườn ươm, không gian làm việc chung vẫn cần được hoàn thiện và kết nối chặt chẽ hơn.
Sự ra đời của Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách, được thúc đẩy bởi chính những đặc điểm mang tính bước ngoặt của làn sóng công nghệ mới - Ảnh: Internet
Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 6.2025 của Bộ KH-CN, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh Luật Công nghiệp công nghệ số đặt trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ số với các chính sách hỗ trợ đào tạo, cấp học bổng, tín dụng ưu đãi cho người học và xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến.
Nhân tài công nghệ số được hỗ trợ môi trường làm việc, tài chính cho R&D và tôn vinh, khen thưởng, tạo điều kiện thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước...
Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin nhấn mạnh Luật Công nghiệp công nghệ số đánh dấu bước ngoặt để Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên số, thiết lập khung pháp lý vững chắc cho công nghiệp công nghệ số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số.
Có thể thấy để hiện thực hóa khát vọng “Make in Vietnam” và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghệ phát triển, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Việc tiếp tục đầu tư vào R&D, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hạ tầng và hệ sinh thái, cùng với việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẽ là chìa khóa để những sản phẩm “Make in Vietnam” vươn ra thế giới và khẳng định vị thế của trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Nhật Anh