Theo đánh giá của các đại biểu, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đảm bảo phân cấp, phân quyền mạnh mạnh mẽ và không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”.
Ông Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: "Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trở lên, đề nghị giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các huyện để triển khai thực hiện dự án để thống nhất UBND cấp huyện là cơ quan chủ quản, không phải báo cáo chủ trương này với HĐND huyện và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở các huyện thống nhất, báo cáo Chủ tịch UBND xem xét, quyết định giao cho một UBND huyện làm cơ quan chủ quan thực hiện dự án, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian quyết định chủ trương đầu tư, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính".
Một điểm đáng chú ý trong sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ HĐND sang UBND. Bày tỏ quan điểm về nội dung này, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, do vậy, nên giữ nguyên quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết: "Lấy ví dụ thực tiễn của thành phố Hà Nội, qua thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức khoảng 20 kỳ họp, trung bình 6 kỳ họp/1 năm và khoảng 2 tháng tổ chức một kỳ họp của HĐND. Khi UBND có yêu cầu thì HĐND đều chủ động sắp xếp bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiển các thẩm quyền pháp luật giao, trong đó có quy định của Luật Đầu tư công, chứ không phải chờ đến kỳ họp thường lệ để giải quyết các công việc phát sinh. Do đó, tôi đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương như đề xuất đã nêu, nhất là khi nội dung này chưa được lấy ý kiến HĐND các cấp và cũng chưa chỉ rõ được thời gian chờ phê duyệt dự án tại HĐND chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thời gian chuẩn bị triển khai dự án và có phải nguyên nhân chính của việc chậm triển khai các dự án đầu tư công hay không".
Nhiều đại biểu cũng đề nghị rà soát chặt chẽ những quy định tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện hai dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện, hướng tới đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kim Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/luat-dau-tu-cong-sua-doi-tranh-tao-co-che-xin-cho-278348.htm