Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ điều này khi giải trình, làm rõ một số vấn đề trong phiên thảo luận về dự án 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) chiều ngày 6/11/2024.
Theo Bộ trưởng, chúng ta phải thống nhất với nhau về mặt nhận thức, quan điểm sửa luật. Điều này xoay quanh chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội đối với công tác xây dựng pháp luật. Đó là phải bảo đảm được yêu cầu vừa quản lý nhà nước, vừa phải khuyến khích sáng tạo trong phát triển và giải phóng các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Cùng với đó phải thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phải chuyển phương thức quản lý mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, đã chín, đã rõ, thực tiễn đã chứng minh và đã có sự đồng thuận cao để đảm bảo tính kế thừa cũng như bổ sung đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật”.
Đối với Luật Quy hoạch, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh cục bộ theo quy trình rút gọn. Việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày. Đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới, ông Dũng nói.
Việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp. Đồng thời, xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển.
Đối với việc điều chỉnh bổ sung các ngành kỹ thuật quốc gia như khoáng sản hay điện lực, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia là định hướng để phát triển và tổ chức không gian phát triển.
Theo đó, có dự kiến các công trình, dự án ưu tiên quan trọng và ưu tiên phát triển, có 1 danh mục dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm mục tiêu và định hướng đã xác định trong quy hoạch, do vậy sẽ hạn chế được tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia. Ngoài ra, luật đã bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, khi đang lập quy hoạch, chưa thể xác định rõ được các dự án cụ thể và nếu đưa các quy định cứng vào trong các quy hoạch thì sau này có thay đổi bất kỳ, phải sửa lại Luật Quy hoạch. Do đó, “chúng tôi đề nghị các dự án dự kiến đối với các ngành này chỉ là danh mục dự kiến, trong quá trình làm có điều kiện nào đó thì chúng ta được phép điều chỉnh, bởi nếu cứng nhắc thì mỗi một lần thay đổi, chúng ta phải sửa luật”.
Đối với các luật kỹ thuật chuyên ngành, nếu có tính đặc thù riêng, cần phải có một quy định riêng sẽ đề nghị quy định ở trong luật chuyên ngành và được điều chỉnh theo quy hoạch chuyên ngành, không đưa vào trong Luật Quy hoạch bởi vì Luật Quy hoạch là định hướng chung.
Theo Bộ trưởng, các Ủy ban của Quốc hội đã họp với các bộ, ngành và đã thống nhất quan điểm này, tức là để ở các luật chuyên ngành và điều chỉnh ở các luật chuyên ngành, không đưa vào Luật Quy hoạch và sửa Luật Quy hoạch.
Đối với Luật Đầu tư, Bộ trưởng bày tỏ, nội dung quan trọng là lần này thiết kế “luồng xanh”, chương trình đặc biệt. Thực tiễn cho thấy, hiện nay cạnh tranh rất quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư.
Dẫn ví dụ, ở Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày; Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, trị giá 20 tỷ USD trong 5 năm.
Tại sao người ta lại làm được như vậy? Ở Dubai, cả một dự án như thế không sai một ngày. Về thiết kế và quy hoạch, ở Việt Nam từ khâu làm quy hoạch, thiết kế dự án, lập dự toán, thiết kế mất cả năm thì ở Dubai họ chỉ yêu cầu 2 điều đơn giản. “Quốc vương Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế với 2 điều quy định. Một là không được nhà nào giống nhà nào. Hai là, trong thiết kế quy hoạch, kiến trúc từ điểm nọ đến điểm kia không phải là đường thẳng”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu.
Từ dẫn chứng trên, Bộ trưởng cho rằng phải ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sau đó để cho các nhà đầu tư tự do thực hiện thì sẽ thuận lợi, rút ngắn được thời gian và hấp dẫn đầu tư.
Xuất phát từ đó, với những dự án công nghệ cao nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư chứ không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư và trong 15 ngày phải cấp cho doanh nghiệp.
“Cấp xong giấy, nhà đầu tư cam kết thực hiện 3 vấn đề là xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định đã ban hành và cứ thế là làm. Sau này nếu có vi phạm, cơ quan quản lý hậu kiểm thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nói
Đối với Đà Nẵng, ông Dũng cho biết sẽ bổ sung, làm rõ hơn khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung để xem đây là một đối tượng để áp dụng trường hợp đặc biệt.
Về đấu thầu theo PPP, sẽ quay lại hợp đồng BT "bằng đất" và BT "bằng tiền". Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây đã thực hiện nhưng sau đó phải dừng. Theo ông Dũng, với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, Bộ khôi phục lại "nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch".
Theo đó, phải xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá. Sau này nếu giá đất lên thì định giá lại, nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì nhà nước trả lại bằng tiền cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, về xử lý vướng mắc với các dự án BT chuyển tiếp, ông Dũng cho biết "đây là một vấn đề rất phức tạp". Sơ bộ thống kê tổng hợp có 160 dự án BT khoảng 59.000 tỉ, nhưng thực chất còn nhiều hơn thế rất nhiều ở các địa phương.
Về vấn đề này, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo với trưởng ban là Phó thủ tướng thường trực, có cả các ngành công an, tòa án, kiểm sát... Nếu giải quyết được vấn đề này, sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc.
“Đây là vấn đề rất lớn. Chúng tôi đã báo cáo và xin phép Quốc hội cho một nghị quyết riêng để xử lý đối với chủ trương, đối với từng trường hợp và không đưa vào luật lần này, Bộ trưởng cho hay.
Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng đồng ý với các đại biểu là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Bên cạnh đó, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng. Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp.
Nhĩ Anh