Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết kịp thời, đồng bộ nhiều vấn đề

Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết kịp thời, đồng bộ nhiều vấn đề
4 giờ trướcBài gốc
Cấp thiết sửa đổi Luật Điện lực
Đường lối tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới đã được Đảng và Chính phủ xác định, trong đó có hai mục tiêu lớn là đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Từ đó thấy rằng, việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết cho nền kinh tế và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng phát thải carbon thấp, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện lực, việc đầu tư các dự án điện mới đang gặp rất nhiều thách thức. Mấy năm qua có ít nhà máy nhiệt điện quy mô lớn mới được đưa vào vận hành, trong khi các dự án năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…) trên đất liền sau một thời gian phát triển nóng cũng bị chững lại vì nhiều nguyên nhân. Còn điện gió ngoài khơi (ĐGNK), mặc dù trong suốt những năm qua được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm cách triển khai, nghiên cứu lập dự án, xin chủ trương đầu tư,… khá rầm rộ nhưng đến nay chưa có kết quả đáng kể, thậm chí một số “ông lớn” nước ngoài nổi tiếng trong lĩnh vực này như Orsted, Equinor,… đã phải rút lui khỏi Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII, mặc dù được biên soạn, hoàn thiện công phu qua gần 4 năm và được nâng lên đặt xuống rất nhiều trước khi ban hành chính thức tháng 5/2023, nhưng đến nay mới sau khoảng một năm rưỡi cũng có thể sắp phải điều chỉnh vì gặp nhiều trở ngại khi triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu quy hoạch quan trọng về điện khí/LNG và điện NLTT đến năm 2030 phải đạt được là 14.930 MW điện khí, 22.400 MW điện LNG, 6.000 MW ĐGNK rõ ràng là không khả thi.
Về tổng thể, với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thì tốc độ tăng GDP hàng năm phải từ 7% trong vòng 20 năm tới, kéo theo nhu cầu điện năng phải tăng tương ứng. Đây là thách thức to lớn đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư cho ngành điện phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Nếu xảy ra tình trạng thiếu điện, dù là cục bộ chăng nữa, thì các mục tiêu chiến lược nêu trên sẽ rất khó trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, để từng bước thực hiện cam kết net zero carbon thì cần thiết phải tiến hành ngay việc từng bước giảm phát thải trong sản xuất điện, bởi lẽ nhiệt điện, nhất là điện than, chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải CO2 của ngành công nghiệp. Là một quốc gia đang phát triển có thế mạnh về xuất khẩu, có độ mở kinh tế lớn, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quy định quốc tế ngày càng ngặt nghèo về ngưỡng hay “dấu ấn” các-bon (carbon footprint) trong hàng hóa xuất khẩu, thậm chí là bị áp thuế phát thải carbon trong tương lai gần, v.v… Đó thực sự là áp lực không nhỏ với chúng ta trong việc phải nhanh chóng thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất điện năng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính.
Từ các nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp kịp thời và đồng bộ về pháp luật, chính sách, cơ chế và tài chính,… sớm nhất có thể thì việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tuân thủ sẽ gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề thực sự cấp bách.
Tạo điều kiện để điện khí/LNG chạy nền
Phát triển điện khí để chạy nền đã được xác định rõ trong các chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc phát triển các dự án này đang gặp nhiều điểm nghẽn về cơ chế thì để phát triển các dự án điện khí/LNG đáp ứng yêu cầu đặt ra cần phải thể chế hóa các chính sách, đặc biệt là trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Chi phí LNG cần được phản ánh đầy đủ trong cơ cấu giá điện
Trong đó, đối với lĩnh vực phát điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước (domestic natural gas), thì nguyên tắc là phải hình thành chuỗi khí-điện đồng bộ từ phát triển mỏ khí, đường ống vận chuyển, hệ thống xử lý phân phối khí đến các nhà máy điện (NMĐ) chạy khí. Vấn đề sản xuất điện khí theo chuỗi này không có gì mới. Thực tế ở Việt Nam đến nay đã có hai chuỗi khí điện là PM3- Cà Mau và Cửu Long/Nam Côn Sơn - Đông Nam Bộ (Phú Mỹ - Nhơn Trạch) đã được đầu tư phát triển từ những năm 2000. Đến 2026-2027 sẽ có thêm chuỗi khí điện Lô B – Ô Môn hiện đang được đầu tư xây dựng và trong tương lai có thể có thêm chuỗi khí – điện miền Trung, gắn với các mỏ khí Cá Voi Xanh (Quảng Nam) và Kèn Bầu (Quảng Trị).
Do đó, việc làm rõ về mặt pháp lý với chuỗi khí - điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tại Luật Điện lực (sửa đổi) là cần thiết và đúng quy luật khách quan, tạo điều kiện phát triển đồng bộ và hiệu quả. Thực tế hiện nay, việc huy động sản lượng của các NMĐ chạy khí không ổn định không chỉ ảnh hưởng đến các NMĐ khí mà ảnh hưởng đến cả chuỗi, trong đó có sản xuất khí ở phần thượng nguồn. Do đó, hiệu quả điện khí không thể tách riêng các NMĐ mà phải đồng bộ trong cả chuỗi.
Liên quan đến phát điện dùng LNG nhập khẩu, kinh nghiệm quốc tế, cũng như các nghiên cứu, đánh giá trong nước đều khẳng định rằng, phát điện LNG là tất yếu với Việt Nam, ít nhất là để thay cho các dự án điện than chưa được đầu tư trong các quy hoạch trước đây. Nói là tất yếu bởi nguồn khí thiên nhiên trong nước ngày càng suy giảm, cạn kiệt không đủ đáp ứng nhu cầu phát điện, mặt khác phải tăng hơn nữa công suất điện khí trong những năm tới thay cho điện than để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, vì điện LNG phát thải CO2 thấp hơn hơn đáng kể (khoảng 45%) so với điện than cùng công suất, chưa kể việc không phát sinh nguồn ô nhiễm khác như lưu huỳnh SO2 hay tro xỉ. Đây cũng là giai đoạn mang tính quy luật đối với các nước trong quá trình từ nước nghèo, đang phát triển lên thành các nước phát triển có thu nhập cao, trước khi năng lượng tái tạo và năng lượng xanh có thể thay thế năng lượng hóa thạch. Có thể thấy các nước phát triển trong khu vực, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đa phần cho đến 100% nhiệt điện là từ nguồn LNG và khí thiên nhiên.
Ở khu vực các nước ASEAN, có thể lấy ví dụ Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển hơn và đi trước chúng ta nhưng quy mô không quá khác biệt. Đến nay Thái Lan đã có 2 kho cảng LNG Terminal lớn là Map Ta Put (5 triệu tấn LNG/năm) và Nong Fab (7,5 triệu tấn LNG/năm). Thái Lan đã từng bước nhập khẩu LNG trộn với khí thiên nhiên trong nước để phát điện, bù đắp cho nguồn khí thiên nhiên nội địa bị thiếu hụt, qua đó đáp ứng nhu cầu điện năng mà không làm giá điện tăng quá đột ngột. Năm 2023 Thái Lan đã tiêu thụ tới 11,55 triệu tấn LNG, chủ yếu dùng để phát điện. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 Thái Lan đã nhập khẩu 1,75 triệu tấn LNG, ghi nhận mức tăng tới 27,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, đến nay Việt Nam hiện mới chỉ vận hành thương mại duy nhất một kho cảng LNG Terminal Thị Vải với công suất khiêm tốn là 1 triệu tấn LNG/năm. Hiện tại chủ đầu tư là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vẫn đang chật vật tìm cách kinh doanh LNG sao cho hiệu quả, trong bối cảnh thị trường LNG trong nước đang còn ở giai đoạn sơ khai.
Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan trong việc từng bước đưa LNG nhập khẩu vào cơ cấu năng lượng quốc gia. Trình độ phát triển và thu nhập của họ không phải quá chênh lệch so với Việt Nam, nhưng họ đã đi trước khá xa, hiện đã tiêu thụ tới hơn 10 triệu tấn LNG/năm và nền kinh tế của họ vẫn chịu được và phát triển bình thường, chứng tỏ LNG không phải là thứ nhiên liệu nhập khẩu xa xỉ quá đắt đỏ không phù hợp với các nước đang phát triển như một số ý kiến có đề cập. Vấn đề là cách làm, là hệ thống chính sách, là khung pháp lý phù hợp để từng bước thay đổi cơ cấu năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế và mục tiêu tất yếu về giảm phát thải các-bon như đã nêu trên.
Các vướng mắc liên quan đến phát điện LNG đã được trao đổi rộng rãi suốt mấy năm qua trên tất cả các khía cạnh của vấn đề và một số nội dung chủ yếu liên quan cũng đã được cập nhật trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Cần tạo ra một hành lang pháp lý và cơ chế đủ rõ ràng và đủ mạnh để phát triển điện LNG đạt được mục tiêu đề ra trong QH điện VIII.
Về vấn đề trên có 2 nội dung cụ thể cần luật hóa. Thứ nhất, là nguyên tắc thị trường đối với LNG (giống như với xăng dầu hay than nhập khẩu), chi phí LNG cần được phản ánh đầy đủ trong cơ cấu giá điện. Vì LNG là hàng nhập khẩu nên không có cách gì chúng ta không dùng nguyên tắc thị trường ở đây cả.
Thứ hai, để đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn vận hành điều độ lưới điện, đề nghị quy định một số NMĐ LNG mang tính chiến lược sẽ được vận hành tải nền và không tham gia thị trường điện, giống như một số nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (SMHP) hiện nay (Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang,…). Điều này có thể được bổ sung vào Khoản 8, Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hoặc văn bản pháp lý khác phù hợp. Trên cơ sở đó, cấp thẩm quyền sẽ ban hành các quy định cụ thể liên quan cho các NMĐ LNG đa mục tiêu, ví dụ tương tự như Thông tư 26/2017/TT-BCT đối với các nhà máy thủy điện đa mục tiêu.
Công suất, vị trí địa lý và chủ đầu tư của các NMĐ LNG chiến lược này sẽ được Chính phủ và Bộ Công Thương xác định cụ thể. Theo tôi đánh giá, có thể quy hoạch đầu tư 10-12 nghìn MW điện LNG chạy nền cho đến 2035, phân bổ ở 3 miền. Việc thu xếp vốn đầu tư các NMĐ LNG chiến lược này sẽ thuận lợi do chạy nền và có bao tiêu sản lượng cụ thể trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án. Như vậy có thể đảm bảo việc tăng công suất điện LNG theo để từng bước chạy nền thay cho điện than, phù hợp với định hướng đã xác định.
Mặt khác, chúng ta cũng nên xem xét áp dụng kinh nghiệm các nước đi trước trong lĩnh vực này, như Thái Lan, cụ thể là tăng dần nhập khẩu LNG và trộn với khí tự nhiên trong nước để giải quyết việc thiếu khí nhiên liệu phát điện, tạo thị trường khí minh bạch bình đẳng hơn và từng bước tăng tỷ trọng LNG trong cơ cấu năng lượng quốc gia mà không gây sốc cho nền kinh tế.
Xây dựng chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này chỉ nên nêu một số chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi
Với điện gió ngoài khơi (ĐGNK), Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng to lớn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành sản xuất ĐGNK ngày càng giảm và có khả năng cạnh tranh với điện LNG trong thời gian tới. Việc phát triển nhanh và bền vững điện gió ở quy mô lớn là yêu cầu cấp bách để sử dụng có hiệu quả nguồn NLTT vô tận này, qua đó tăng tỷ trọng năng lượng sạch và giảm phát thải ròng carbon ở nước ta.
Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Việc xây dựng hành lang pháp lý cho triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là vấn đề được đưa vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này.
Các nội dung liên quan đến ĐGNK được quy định trong Chương III, Mục 2, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được biên soạn, góp ý hoàn thiện khá chi tiết, công phu. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực hoàn toàn mới chưa có thực tế kiểm chứng và chưa được quy định cụ thể trong Luật Điện lực hiện hành, vì vậy các chuyên gia cho rằng không nên đưa ngay lĩnh vực ĐGNK vào Luật Điện lực (sửa đổi) lần này vì chưa có tiền lệ và thực tiễn liên quan. Giải pháp phù hợp có thể là Luật Điện lực (sửa đổi) lần này chỉ nên nêu một số chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi, còn các nội dung chi tiết như trong Chương III, Mục 2 của dự thảo nên tách ra đưa vào một Nghị định của Chính phủ về phát triển thí điểm ĐGNK thì sẽ phù hợp hơn. Sau khi có thực tế triển khai ĐGNK mới tổng kết thực tiễn đưa vào Luật, vì nếu đưa ngay vào Luật trong quá trình thực hiện thực tế sắp tới sẽ có thể phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và khó có thể sửa đổi kịp thời nếu đã được luật định.
M.P
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/luat-dien-luc-sua-doi-can-giai-quyet-kip-thoi-dong-bo-nhieu-van-de-721151.html